Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt là gì
Rối loạn kinh nguyệt là sự bất thường của kinh nguyệt liên quan đến chu kì (trễ kinh, kinh đến sớm, chu kì không đều…), lượng kinh nguyệt (ra nhiều, rong kinh, băng huyết, ra ít…), đau bụng kinh và những biến đổi bất thường khác.
Chị em ở giai đoạn dậy thì và tiền mãn kinh thường xảy ra rối loạn kinh nguyệt nhiều nhất. Với phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành, nếu vẫn còn tình trạng rối loạn kinh nguyệt diễn ra thì đó rất có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống, thậm chí là vô sinh.
Những diễn biến trong một chu kì kinh nguyệt
Vì vậy bài chia sẻ về biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt này, tôi nghĩ sẽ rất quan trọng với các bạn. Hãy theo dõi để biết biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt và có biện pháp khám chữa kịp thời.
Xem thêm: Những điều bạn cần biết về rối loạn kinh nguyệt.
Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt
Các bạn đều có thể cảm nhận được những biểu hiện bất thường trong chu kì kinh nguyệt của mình, nhưng tôi tổng hợp lại những biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt để các bạn đối chiếu. Những biểu hiện này bao gồm:
Chu kì kinh nguyệt không đều
Chu kì kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, giao động 7 ngày tức là nếu chu kì của bạn nằm trong khoảng 21-35 ngày là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên chu kì hàng tháng phải đều đặn, không đến thất thường, khi sớm khi muộn.Thời gian hành kinh thông thường kéo dài từ 2-7 ngày.
Độ tuổi xuất hiện kinh nguyệt thường từ năm 12 -15 tuổi. Nhưng cũng có những trường hợp xuất hiện kinh nguyệt sớm khi 8-10 tuổi hoặc muộn hơn sau 16 tuổi. Độ tuổi mãn kinh thường bắt đầu ở tuổi 45-55 nhưng cũng có thể muộn hơn.
Mọi chu kì nằm ngoài khoảng thời gian trên đều là bất thường. Vì vậy bạn nên lưu ý. Ngoài ra tôi cũng chia sẻ thêm là yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng rất lớn đến chu kì kinh nguyệt của bạn. Nếu trong gia đình, có chị em, mẹ hoặc bà bị rối loạn kinh nguyệt thì khả năng bạn bị rối loạn cũng rất cao.
Chảy máu kinh nguyệt quá nhiều
Lượng máu trung bình trong mỗi kì hành kinh là 10-80ml. Nếu bạn thấy lượng máu ra nhiều, hoặc kì kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày thì nên chú ý. Quan sát thấy lượng máu kinh ra nhiều và nhanh đến nỗi các bạn có thể cảm nhận được dòng chảy của máu ra nhiều. Chỉ trong 1-2 giờ là đã thấm đầy băng vệ sinh.
Lượng máu ra nhiều sẽ khiến cơ thể các bạn bị mất máu, dẫn đến mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, tụt huyết áp, ngất xỉu. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, tôi khuyên bạn nên gặp bác sĩ để tìm ra cách điều trị không làm ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Ngoài ra tôi cũng lưu ý với các bạn, đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý nên bạn tuyệt đối không được lơ là.
Mất kinh nguyệt
Như tôi đã nói ở trên, chu kì kinh nguyệt thông thường kéo dài từ 21-35 ngày (một số người có chu kì kinh 40-45 ngày), nếu sau khoảng thời gian này mà bạn vẫn không thấy kinh nguyệt, thậm chí là trong nhiều tháng thì rất có thể bạn đã gặp phải vấn đề về rối loạn chức năng sinh sản.
Nếu không phải thời gian dậy thì, mãn kinh, mang thai hoặc sau sinh mà bạn mất kinh trên 2 tháng thì cần đến gặp bác sĩ, tránh để bệnh nặng sẽ khó điều trị.
Rong kinh
Thời gian hành kinh thông thường sẽ kéo dài từ 2-7 ngày. Nếu thời gian hành kinh của bạn kéo dài hơn 7 ngày đến 10 hoặc thậm chí 14 ngày thì bạn nên chú ý. Đây là biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt, nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên thì có thể là dấu hiệu bệnh lí.
Đau bụng kinh quá mức
Có nhiều bệnh nhân hỏi tôi vì sao lại bị đau bụng kinh, trong khi có người thì không. Tôi giải đáp cho các bạn như sau:
Trong chu kì, lớp niêm mạc tử cung sẽ được làm dày lên để đón trứng thụ tinh về làm tổ. Nếu sự thụ tinh không được diễn ra, lớp niêm mạc này sẽ tự bong ra, bị đẩy ra ngoài cùng với máu và dịch nhày. Khi đó tử cung sẽ phải co bóp để tống máu ra ngoài, chính sự co bóp này khiến các bạn thấy đau bụng.
Tình trạng đau bụng này thường xảy ra ở những bạn gái còn trẻ, với phụ nữ đã sinh con thì tình trạng này hiếm gặp hơn. Tuy nhiên nếu các bạn bị đau bụng kinh đến mức không thể đi lại, vận động hoặc phải nhờ đến thuốc giảm đau thì cơ thể bạn đang có những bất thường.
Thay đổi về tâm lý
Trước và trong ngày hành kinh, bạn sẽ nhận thấy tính cách và tâm trạng của mình có những bất thường. Bạn trở nên nhạy cảm với mọi thứ và những người xung quanh, dễ cáu gắt, bực bội. Tôi lý giải điều này cho các bạn là do hormone và nội tiết tố nữ có thay đổi nên tâm trạng của các bạn cũng dễ thất thường.
Tuy nhiên, nếu bạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tâm lí, không kiềm chế, kiểm soát được hành vi hoặc trầm cảm thì khả năng cao là rối loạn kinh nguyệt gây nên.
Thay đổi về thể chất
Trong thời gian hành kinh, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, đau mỏi lưng, đau tức ngực, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, dễ đi ngoài, chán ăn, sạm da, mọc nhiều mụn… Đây là những biểu hiện bình thường do thay đổi nội tiết. Nếu bạn bị rối loạn kinh nguyệt thì những bất thường này sẽ thể hiện nặng nề hơn.
Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt
Có nhiều nguyên nhân của việc rối loạn kinh nguyệt, trong đó có nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lí. Tôi sẽ tổng hợp lại những nguyên nhân phổ biến nhất cho các bạn, những nguyên nhân đó bao gồm:
Stress
Sự căng thẳng trong cuộc sống có ảnh hưởng rất nhiều đến hormone trong cơ thể. Chúng khiến cơ thể tiết ra nhưng loại hormone tiêu cực làm rối loạn chức năng buồng trứng, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
Chế độ ăn uống
Không ai có thể phủ nhận chế độ ăn uống có tác động trực tiếp đến sức khỏe và hoạt động trao đổi chất trong cơ thể bạn. Ăn uống hoặc sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, cà phê… sẽ làm ảnh hưởng đến việc tiết hormone estrogen dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
Di truyền
Di truyền cũng là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn kinh nguyệt mà tôi thường gặp ở những bệnh nhân của mình. Bạn sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi chu kì kinh nguyệt của người mẹ. Thậm chí với những cặp chị em sinh đôi cùng trứng cũng thường có chu kì giống nhau.
Bệnh lý
Rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng tiêu biểu khi bạn mắc các bệnh phụ khoa như đa nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, rối loạn chức năng buồng trứng…
Nguyên nhân khác
Những nguyên nhân khác có thể kể đến như bạn bị mắc các bệnh lây qua đường tình dục, sử dụng thuốc nội tiết khiến chu kì thay đổi, rối loạn chức năng tuyến giáp…
Xem thêm: Nguyên nhân không ngờ gây rối loạn kinh nguyệt.
Trên đây là những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt thường gặp. Bạn có thể chịu ảnh hưởng bởi một hoặc nhiều nguyên nhân gây rối loạn trên đây. Tốt hơn hết khi có những dấu hiệu kinh nguyệt bất thường, các bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và được điều trị kịp thời, đúng cách.
Các bạn có thể tham khảo thêm bải chia sẻ của tôi về cách chữa rối loạn kinh nguyệt.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!