Bệnh u xơ tử cung, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung là hay còn gọi là nhân xơ tử cung, đây là một loại u được cấu tạo bởi tế bào cơ tử cung phát triển trên thành tử cung. Gọi là u nhưng hầu hết chúng đều là u lành tính, chỉ có 0,1% là u ác biến đổi thành ung thư.
U xơ tử cung là một khối duy nhất hoặc kết hợp nhiều khối gọi là đơn nhân xơ hoặc đa nhân xơ tử cung có kích thước thay đổi.
Tỉ lệ người bị u xơ tử cung cũng gia tăng theo tuổi. Những người dưới 30 tuổi mắc u xơ tử cung chiếm khoảng 5%. 25-30% xảy ra ở phụ nữ 30-39 tuổi. Và nhiều nhất trên 60% các trường hợp bị u xơ tử cung xảy ra ở người trên 40 tuổi.
Bệnh u xơ tử cung thường gặp ở phụ nữ
Nguyên nhân gây bệnh u xơ tử cung
Cũng tương tự như u nang buồng trứng, u xơ tử cung cũng chưa được xác định được nguyên nhân trực tiếp gây bệnh. Nhưng những tài liệu tôi nghiên cứu đều chỉ ra hormone estrogen có tác động rất lớn đến việc hình thành và phát triển u xơ tử cung. Nếu hàm lượng estrogen trong cơ thể phụ nữ càng cao thì nguy cơ bị u xơ tử cung các lớn. Và các trường hợp mắc bệnh tôi gặp đều có đặc điểm chung là bị cường estrogen. Tuy nhiên chưa có tài liệu nào công bố chính xác nguyên nhân này gây u xơ tử cung.
Ngoài ra có một số nguyên nhân khác khiến chị em mắc u xơ tử cung. Tôi xin tổng hợp lại để mọi người tham khảo:
-
Béo phì thừa cân. Người bị thừa cân, béo phì sẽ có hàm lượng insulin trong máu cao dẫn đến tiểu đường và suy giảm chức năng tuyến giáp, tuyến tụy, vùng dưới đồi… Đặc biệt là tuyến giáp làm rối loạn hormone estrogen gây cường estrogen gây u xơ tử cung.
-
Phụ nữ vô sinh, hiếm muộn. Hầu hết phụ nữ bị vô sinh bị thiếu hormone sinh dục nữ estrogen, và tỉ lệ phụ nữ vô sinh, hiếm muộn mắc u xơ tử cung cũng cao hơn rất nhiều so với người bình thường.
-
Do di truyền. Chưa có nghiên cứu chính xác về nguyên nhân bị u xơ buồng trứng do di truyền. Nhưng khảo sát và thống kê cho thấy, nếu gia đình bạn có người từng bị u xơ buồng trứng (bà, mẹ, dì…) thì khả năng bạn mắc u xơ tử cung sẽ cao hơn người bình thường đến 2 lần.
-
Ngoài việc cường estrogen thì việc có kinh sớm (trước 12 tuổi), bị u sợi tuyến vú, tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp… kết hợp với nhau khiến nguy cơ bị u xơ tử cung của bạn cao hơn.
Vì chưa có nguyên nhân rõ ràng nên chưa có cách phòng tránh u xơ tử cung. Nên tốt hơn hết các bạn hãy duy trì lối sống lành mạnh. Chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý để phòng bệnh. Cách phòng và chữa bệnh u xơ tử cung tôi sẽ nói chi tiết hơn ở phần sau của bài viết này.
Các loại u xơ tử cung
U xơ tử cung có nhiều loại như u xơ dưới niêm mạc tử cung, u xơ trong tử cung, u xơ nằm ngoài tử cung, u xơ nằm ở cổ, thân, eo hoặc dưới đáy của tử cung. Tùy theo vị trí của khối u mà có cách phân loại và những triệu chứng khác nhau. Về cơ bản tôi phân biệt u xơ tử cung như sau.
-
U xơ tử cung dưới phúc mạc. Loại u này có thể có cuống hoặc không. Chúng thường phát triển ở ổ bụng, hố chậu hoặc giữa hai lá của dây chằng rộng, làm chèn ép lên niệu quản. Loại u này thường rất dễ nhầm với u nang buồng trứng.
-
U xơ tử cung dưới niêm mạc. Loại u này xuất hiện từ lớp cơ tử cung, phát triển về phía niêm mạc làm biến đổi hình dạng của buồng tử cung. U dưới niêm mạc có thể phát triển thành u có cuống dài, thậm chí thò ra qua tử cung đến âm đạo. Loại u này rất dễ làm người bệnh bị viêm nhiễm đường sinh dục hoặc nhiễm khuẩn tại khối u.
Các loại u xơ tử cung
Triệu chứng của bệnh u xơ tử cung
Các trường hợp u xơ tử cung không có triệu chứng rõ ràng, nhất là khi khối u còn nhỏ.
Hầu hết các bệnh nhân của tôi đến khám khi triệu chứng bệnh đã lộ rõ, những triệu chứng điển hình của u xơ tử cung là:
-
Xuất huyết. Các chị em đến khám khi kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài, dong kinh, máu kinh có bất thường. Đây là tình trạng xuất huyết tử cung trong chu kì kinh nguyệt. Các bạn phải theo dõi kinh nguyệt của mình để phát hiện bất thường.
-
Đau bụng, đau vùng chậu, đau thắt lưng. Do khối u phát triển về kích thước và khối lượng nên chèn ép lên các cơ quan trong khoang chậu gây đau, tức và rối loạn hoạt động của các cơ quan.
-
Đi tiểu khó, tiểu nhiều lần, táo bón. Cùng với lí do ở trên, khi khối u lớn chèn ép lên các cơ quan như bàng quang, niệu quản, trực tràng… làm cho bàng quang bị ứ nước, trực tràng bị chèn ép gây táo bón.
-
Một số triệu chứng khác như đau khi quan hệ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, hoặc nôn, đau tê chân, rối loạn tiêu hóa, bụng to…
Nhìn chung các triệu chứng của u xơ tử cung không rõ ràng, rất giống với u nang buồng trứng và các bệnh rối loạn tiêu hóa khác. Vì thế hầu hết các bệnh nhân của tôi chỉ đến khám khi các dấu hiệu bệnh đã rõ ràng nhưng lúc này cũng là thời điểm khối u phát triển lớn. Tôi khuyên các bạn nên đi khám sức khỏe định kì để phát hiện được u xơ tử cung từ sớm để việc điều trị đạt hiệu quả cao.
Phương pháp chẩn đoán bệnh u xơ tử cung
Những triệu chứng trên cho dù có rõ thế nào thì vẫn không đủ để bác sĩ chuyên môn như chúng tôi kết luận bạn có bị u xơ tử cung hay không. Vì thế cần dung đến các phương pháp y khoa hiện đại để chẩn đoán u xơ tử cung.
Siêu âm. Bác sĩ sẽ siêu âm vùng chậu, ổ bụng và siêu âm đầu dò âm đạo. Siêu âm giúp chuyển hình ảnh từ tử cung, ổ bụng lên màn hình. Bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh đó để phát hiện và đo lường sự phát triển của khối u.
Nếu siêu âm thông thường không đủ cung cấp thông tin giúp bác sĩ chẩn đoán, khi đó chúng tôi sẽ sử dụng một số kĩ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh khác như:
Hysterosonography. Phương pháp này sử dụng nước muối vô trùng để mở rộng khoang tử cung, giúp các hình ảnh bên trong tử cung trở nên rõ nét hơn. Thông thường chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp này nếu người bệnh bị xuất huyết tử cung, máu kinh ra nhiều làm hình ảnh không chính xác, thông tin sai lệch.
Hysterosalpinggography. Kĩ thuật dùng thuốc cản quang để làm nổi bật khoang tử cung và ống dẫn trứng vào hình ảnh X-quang. Kĩ thuật này giúp chúng tôi có thể dễ dàng xác định các vấn đề khác trong ống dẫn trứng và phát hiện u xơ. Thường áp dụng với những người bị vô sinh.
Soi buồng tử cung. Đây là một kĩ thuật không xâm lấn, dùng một đầu camera nhỏ phát sáng đưa vào trong buồng tử cung thông qua âm đạo vào cổ tử cung. Phương pháp này cũng giống như nội soi dạ dày. Sử dụng phương pháp này chúng tôi sẽ thấy được lớp mô nội mạc tử cung và có thể lấy được mẫu mô để sinh thiết nếu cần.
Ngoài ra một số phương pháp khác như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ cũng được sử dụng nhưng ít hơn.
Bệnh u xơ tử cung có nguy hiểm không?
Sau khi được chẩn đoán là bị u xơ tử cung, nhiều chị em rất lo lắng không biết u xơ tử cung có nguy hiểm hay không. Nhìn chung u xơ tử cung hầu hết là lành tính nhưng nó cũng gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Những tác hại của u xơ tử cung là:
-
U chèn ép lên bộ phận khác gây đau đớn ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và khả năng tình dục của chị em.
-
Người bệnh đau bụng, táo bón, tiểu nhiều lần, khó tiểu, mệt mỏi, khó chịu.
-
U xơ lâu ngày sẽ làm thay đổi nội mạc tử cung khiến kinh nguyệt không đều và chị em khó thụ thai, có thể dẫn đến vô sinh (5-10% các trường hợp u xơ tử cung bị vô sinh).
-
Nếu khối u ở bên ngoài tử cung sẽ ảnh hưởng đến sự co bóp của tử cung làm tử cung bị chảy máu, dẫn đến băng huyết. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
-
Với phụ nữ có thai khối u có thể chèn ép lên thai nhi gây dị dạng thai nhi.
-
Dễ bị băng huyết khi mang thai, sinh non hoặc sảy thai.
-
Nếu khối u lớn hơn 5cm thì nguy cơ vỡ tử cung là rất cao khi đó sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và cả thai nhi.
Cách điều trị u xơ tử cung
U xơ tử cung là một bệnh không mấy nguy hiểm và có thể tự khỏi khi mãn kinh. Tuy nhiên nếu để lâu sẽ dẫn đến những biến chứng cực kì nguy hiểm, đặc biệt là với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Vì thế nếu mắc u xơ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn điều trị theo hai phương pháp chính.
Điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc này làm giảm tác động của hormone estrogen khiến u teo đi hoặc ngưng phát triển, trong thời gian dùng thuốc bạn sẽ bị mất kinh tạm thời. Nhưng cá nhân tôi không khuyến khích điều trị theo phương pháp này vì không điều trị được dứt điểm. Khi ngưng thuốc, kinh nguyệt trở lại thì u sẽ lại tiếp tục phát triển. Vì thế tôi đề xuất phương pháp thứ hai là phẫu thuật.
Phẫu thuật. Tùy theo đối tượng người bênh già hay trẻ, có nhu cầu sinh con hay không và tình trạng bệnh để đề xuất phương pháp phẫu thuật.
Phẫu thuật tận gốc. Bác sĩ sẽ cắt bỏ hoàn toàn tử cung để điều trị triệt để. Áp dụng với phụ nữ lớn tuổi, khối u lớn và không có nhu cầu sinh con.
Phẫu thuật bảo tổn. Áp dụng với phụ nữ trẻ, có nhu cầu sinh con. Bác sĩ sẽ phẫu thuật bóc tách khối u và để lại phần tử cung.
Áp dính nội mạc tử cung. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ phát nhiệt phá hoại niêm mạc tử cung, áp dụng cho trường hợp u xơ nằm dưới niêm mạc.
Thuyên tắc động mạch tử cung qua da. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào động mạch tử cung gây tắc nghẽn mạch máu nuôi u xơ tử cung. Phương pháp này có thể thay thế cho phẫu thuật cắt bỏ.
Phương pháp thuyên tắc động mạch điều trị u xơ tử cung
Tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ có cách điều trị phù hợp nên các bạn không cần quá lo lắng về u xơ tử cung. Lời khuyên tôi dành cho các bạn là hãy đi khám thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe!
Xem thêm: Bị u xơ tử cung nên ăn gì và kiêng gì.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!