Chứng bốc hỏa ở phụ nữ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Chào bác sĩ!
Tôi năm nay 50 tuổi, đã bắt đầu bước vào thời kì mãn kinh, kinh nguyệt của tôi cách đây vài năm đã không đều, tháng có, tháng không thậm chí lặn mất vài tháng mới xuất hiện một lần. Chuyện đó tôi thấy không đáng ngại lắm vì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của tôi.
Tuy nhiên trong vài tháng trở lại đây tôi thường hay hải chịu đựng những cơn bốc hỏa đột ngột xuất hiện. Chúng chỉ thi thoảng mới xuất hiện nhưng tôi thấy rất khó chịu, đột nhiên thấy cơ thể như tăng lên tận mấy độ C nhưng không phải bị sốt, toàn thân vã mồ hôi, ớn lạnh, tim đập nhanh…
Tôi cũng tìm hiểu qua những người bạn thì biết đây là chứng bốc hỏa ở phụ nữ thường xảy ra ở thời kì tiền mãn mãn và mãn kinh. Nhưng tôi không rõ vì sao lại xảy ra hiện tượng này và khi nào thì nó biến mất, và có cách nào để chữa hoặc giảm hiện tượng này không?
Mong bác sĩ tư vấn cho tôi và các đọc giả. Cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Thị Hoa, Hà Nội
Chào chị Hoa, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đến cho tôi. Tôi biết đây là vấn đề mà nhiều chị em ở giai đoạn tiền mãn kinh gặp phải. Vì vậy bài viết này tôi sẽ chia sẻ một cách chi tiết nhất để giúp chị em có thể hiểu về chứng bốc hỏa ở phụ nữ ở thời kì tiền mãn kinh và mãn kinh.
Bốc hỏa ở phụ nữ là gì
Bốc hỏa ở phụ nữ là hiện tượng cơ thể người phụ nữ bỗng nhiên thấy nóng dồn dập, nhiệt độ bề mặt da tăng lên 4-7 độ C trong khi nhiệt độ cơ thể vẫn bình thường nên không phải là sốt. Cơn bốc hỏa sẽ làm chị em thấy nóng bừng mặt, mặt đỏ, tim đập nhanh và vã mồ hôi…
Khi cơn bốc hỏa dịu xuống các bạn sẽ cảm thấy lạnh, cơn nóng và lạnh đến và đi rất nhanh. Cơn bốc hỏa có thể đến một hoặc nhiều lần trong ngày hoặc thi thoảng mới xuất hiện.
Bốc hỏa là tinh trạng thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh
Những cơn bốc hỏa thường xuất hiện vào ban đêm, nó sẽ bốc lên mặt, hai mắt rồi lan ra toàn thân, sau khoảng 5 phút cơn bốc hỏa qua đi và bạn sẽ thấy mệt mỏi, trằn trọc, mất ngủ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các bạn và cả quan hệ vợ chồng.
Nguyên nhân bốc hỏa
Theo tài liệu tôi tìm hiểu và từ những kinh nghiệm của bản thân, tôi giải thích cho nguyên nhân của hiện tượng bốc hỏa như sau.
Vào độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, cơ thể sẽ có những thay đổi về nội tiết tố nữa estrogen và progesterone. Estrogen giảm nhanh khiến cán cân nội tiết bị mất cân bằng. Việc suy giảm estrogen này sẽ tác động vào vùng dưới đồi – phần não bộ kiểm soát giấc ngủ, thèm ăn, hormone sinh dục và thân nhiệt.
Khi vùng dưới đồi bị tác động như vậy sẽ khiến não bộ hiểu lầm là nhiệt độ cơ thể đang cao, vì thế não bộ sẽ ngay lập tức điều khiển cơ thể giải phóng nhiệt.
Lúc này tim sẽ bơm máu nhiều hơn khiến các bạn thấy tim đập nhanh, các mạch máu giãn ra để máu lưu thông nhiều hơn khiến huyết áp tăng. Tuyến mồ hôi cũng được tiết ra nhiều hơn để làm mát cơ thể. Chính những điều này đã khiến cho các bạn có những dấu hiệu nóng, toát mồ hôi, tim đập nhanh, thở dốc.
Tác hại của bốc hỏa
Bốc hỏa là hiện tượng phổ biến mà nhiều phụ nữ gặp phải trong 2-3 hoặc 5 năm, ở nhiều người còn kéo dài đến 10 năm trong suốt thời kì tiền mãn kinh. Nhiều chị em đã chọn cách sống chung với nó. Tuy là một hiện tượng hết sức bình thường và không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chứng bốc hỏa sẽ gây phiền toái trong cuộc sống thường ngày.
Cơn bốc hỏa khiến người phụ nữ trở nên nhạy cảm, dễ nổi nóng, cáu gắt với những người xung quanh, ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.
Cơn bốc hỏa diễn ra trong thời kì mãn kinh nên người phụ nữ không còn mặn mà và hứng thú với chuyện chăn gối, vì vậy ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống tình cảm vợ chồng.
Bốc hỏa thường diễn ra vào ban đêm và khiến bạn trằn trọc, mất ngủ. Lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Điều trị bốc hỏa ở phụ nữ
Đây là một hiện tượng tự nhiên nhưng các bạn có thể can thiệp để giảm bớt tác động và tình trạng bốc hỏa. Dưới đây tôi sẽ gợi ý một số cách để các bạn khắc phục tình trạng bốc hỏa.
Dùng thuốc
Nguyên nhân của việc bốc hỏa là do mất cân bằng nội tiết trong cơ thể, lượng estrogen suy giảm dẫn đến hiện tượng này. Vì thế để điều trị bốc hỏa các bạn có thể sử dụng một số loại thuốc bổ sung estrogen.
Tuy nhiên các bạn không được tự ý dùng thuốc mà phải tham khảo ý kiến của bác sĩ vì cơ địa mỗi người là khác nhau và không phải ai cũng có thể dùng được loại thuốc này, nhất là những người bị tim mạch, ung thư,.
Khi dùng thuốc các bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt, chóng mặt, buồn ngủ… Nhìn chung nếu cơn bốc hỏa không quá nghiêm trọng thì tôi khuyên các bạn không cần dùng thuốc mà có thể áp dụng một số cách đơn giản sau.
Làm mát cho cơ thể
Hãy giữ cho môi trường sống của bạn luôn thoáng mát và duy trì ở mức trên 20 độ. Các bạn có thể trồng cây xanh, uống nhiều nước để làm mát cơ thể. Hạn chế đi ra ngoài và đến những nơi có nhiệt độ cao, hạn chế lao động nặng.
Khi cơn bốc hỏa ập đến, các bạn hãy nhanh chóng ngồi trước quạt, uống một cốc nước mát và có thể lấy khăn chườm mát cơ thể. Nhiệt độ cơ thể bạn sẽ nhanh chóng giảm xuống, cơn bốc hỏa sẽ qua đi.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát cơn bốc hỏa. Tôi thường khuyên bệnh nhân của mình nên hạn chế ăn đồ cay nóng dễ khiến bốc hỏa như ớt, tỏi, gừng, tiêu…
Bên cạnh đó một số hoa quả có thể khiến các bạn bị nóng trong người như mít, vải, mận… cũng nên hạn chế. Các đồ uống như rượu bia, cà phê các bạn cũng nên hạn chế.
Nếu bạn là một người thích ăn cay thì hãy cố gắng thay đổi thói quen này. Trong bữa ăn bạn có thể tăng vị mặn và chua hoặc ngọt cho món ăn để quên đi vị cay, dần dần sẽ thay đổi được khẩu vị.
Luyện tập thể dục
Đây là việc rất quan trọng với chị em lớn tuổi vừa giúp giảm tình trạng bốc hỏa, vừa giúp rèn luyện nâng cao sức khỏe. Các bạn nên chọn những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ trên 30 phút để làm nóng cơ thể, tăng cường sức dẻo dai, phòng ngừa nguy cơ loãng xương, các bệnh về tim mạch…
Một số biện pháp điều trị bốc hỏa ở phụ nữ hiệu quả
Tinh thần thoải mái
Giữ cho tinh thần thoải mái cũng là một cách giúp cải thiện tình trạng bốc hỏa. Khi bốc hỏa các bạn dễ cáu gắt, nổi nóng với mọi thứ xung quanh. Vì vậy giữ tinh thần thoải mái giúp bạn có một cuộc sống dễ dàng hơn.
Để làm được điều này, các bạn có thể tập thiền, hít thở sâu, bớt suy nghĩ nhiều… Làm điều này hằng ngày có thể kiềm chế được cơn bốc hỏa.
Chị Hoa và các bạn độc giả hãy áp dụng những lời khuyên của tôi trên đây trước khi dùng thuốc như là biện pháp cuối cùng để điều trị bốc hỏa. Nếu có bất kì thắc mắc nào hãy gửi câu hỏi cho tôi đến email bacsihang.sanphukhoa@gmail.com. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!