Những vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ
Chào bác sĩ Hằng!
Cháu được biết bác sĩ có nhiều kinh nghiệm nhiều năm trong ngành sản phụ khoa, và có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn về sức khỏe sinh sản. Khi biết bác sĩ Hằng có blog cá nhân, cháu thường xuyên theo dõi các bài viết của bác sĩ. Hôm nay cháu là lần đầu tiên cháu gửi email mong được bác sĩ tư vấn giúp cháu cùng các độc giả về những vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Cháu đang mang thai tháng thứ 7, trước khi mang thai cháu đã tìm hiểu về những lợi ích khi nuôi con bằng sữa mẹ. Vì thế cháu quyết định sau này sẽ nuôi con bằng sữa mẹ cho đến năm 2 tuổi mới cho con cai sữa nhưng cháu chưa biết liệu có những vấn đề nào có thể gặp phải khi cho con bú sữa mẹ hay không?
Vậy bác sĩ Hằng có thể giải đáp giúp cháu và cho cháu những lời khuyên, lưu ý khi nuôi con bằng sữa mẹ được không ạ. Cháu cảm ơn bác sĩ!
Thanh Hường – Thanh Xuân, Hà Nội
Cảm ơn bạn Thanh Hường đã gửi email đến cho tôi. Thật sự tôi rất vui khi nhận được sự tin tưởng của mọi người, đặc biệt là những bệnh nhân tôi chưa từng gặp. Mặc dù là người không sành về công nghệ và mạng xã hội nhưng tôi vẫn học cách lập ra blog để chia sẻ những kiến thức đến với các độc giả và bệnh nhân của mình, tôi cũng rất mừng khi biết có nhiều độc giả luôn theo dõi và đọc bài viết của tôi. Hy vọng Thanh Hường và các bạn độc giả vẫn tiếp tục theo dõi và ủng hộ blog của tôi.
Về câu hỏi của Hường, tôi biết đây là thắc mắc của rất nhiều bà mẹ khi nuôi con bằng sữa mẹ. Tưởng như việc này rất đơn giản nhưng đến khi nuôi con rồi mới biết có rất nhiều vấn đề.
Bài viết này tôi sẽ tổng hợp lại những vấn đề mà các bà mẹ thường gặp phải khi cho con bú, từ việc sữa mẹ quá ít hoặc quá nhiều hay bé không chịu bú cho đến những vấn đề bệnh lý mà các bạn không được bỏ qua… Mời các bạn cùng theo dõi.
Các vấn đề về sữa mẹ
Sữa quá ít
Đây là vấn đề mà nhiều bà mẹ gặp phải, nhất là thời điểm mới sinh. Nhiều người do chưa có kinh nghiệm cho con bú, nên không biết phải làm thế nào để sữa về nhiều. Thực tế nếu bé bú càng nhiều thì sữa cũng về nhiều và nhanh.
Vì vậy sau khi sinh hoặc khi nuôi con bằng sữa mẹ, các bạn hãy máy hút sữa để hút sữa ra mặc dù không nhiều, hoặc cho bé bú thường xuyên, tự khắc sữa sẽ về. Bạn nên kết hợp massage nhẹ nhàng để các tia sữa được lưu thông.
Nếu những kết hợp trên không có hiệu quả, bạn hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và có cách điều trị. Các bạn cũng nên bổ sung những thực phẩm tốt cho sữa mẹ như đu đủ, protein, cá hồi, gạo lứt…
Xem thêm: Mẹ nên ăn gì để có nhiều sữa cho con bú.
Sữa quá nhiều
Đây cũng là một trường hợp hay gặp, có nhiều mẹ không làm gì mà sữa cũng chảy ướt cả áo, thậm chí có người phun sữa thành tia. Nguyên nhân là do lượng sữa xuống chưa cân đối với nhu cầu của bé. Bạn vẫn cho bé bú đều, đúng với lượng sữa bé uống. Sau một thời gian lượng sữa sẽ điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của bé.
Nếu bạn muốn trữ sữa để dùng dần thì có thể vắt ra và bảo quản trong tủ. Thông thường sữa mẹ sẽ để được khoảng 4-6 giờ ở nhiệt độ 26 độ. Nếu nhiệt độ giảm còn mức 22 độ có thể bảo quản được 6-8 giờ.
Nếu bạn để trong tủ lạnh thì có thể sử dụng trong 24 giờ. Nếu để ngăn đá có thể dùng trong 2 tuần. Nếu gia đình bạn có tủ đông chuyên biệt, trữ sữa ở nhiệt độ -18 độ thì có thể bảo quản được đến 6 tháng.
Tôi lưu ý các bạn nên ghi trên lọ hoặc gói sữa thời điểm vắt sữa ra để khi sử dụng có thể biết là con hạn sử dụng hay không. Khi xếp sữa vào trong tủ, các bạn nên đặt những gói sữa mới vào bên trong và gói cũ ở ngoài để sử dụng trước, tránh để hết hạn sử dụng sẽ rất lãng phí.
Các bạn nên ghi ngày trên lọ sữa để biết thời điểm sử dụng tốt nhất
Nếu các bạn có dư sữa mẹ thì có thể mang cho. Có nhiều bệnh nhân của tôi có nhiều sữa mà con bú không hết có thể mang cho người quen hoặc đến các bệnh viện để cho sữa.
Các vấn đề về vú
Nhiều người nghĩ đơn giản vấn đề khi nuôi con bằng sữa mẹ chỉ là có đủ sữa cho con bú hay không. Tuy nhiên nhiều mẹ còn gặp vấn đề về vú gây cản trở trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Những vấn đề bao gồm:
Căng tức vú
Tình trạng này có rất nhiều chị em gặp phải, nhất là sau khi sinh em bé được khoảng 2-3 ngày. Không chỉ riêng ngực của các bạn bị sưng mà có thể còn lan đến tận nách, thậm chí bạn có thể bị sốt nhẹ.
Nhưng bạn không cần lo lắng, nguyên nhân là do sữa xuống mà cơ thể chưa kịp thích ứng nên gây ra hiện tượng này. Những biểu hiện này sẽ biến mất sau vài ngày. Để làm giảm triệu chứng, bạn có thể dùng tay hoặc máy hút sữa để hút bớt sữa ra. Hoặc có thể dùng khăn ấm để lau, chườm để bớt khó chịu.
Nứt núm vú
Khi cho con bú các bạn hãy chú ý cho bé ngậm cả núm vú, nếu bé chỉ ngậm đầu vú rồi kéo ra, lâu ngày sẽ nứt núm vú, da tấy đỏ. Người mẹ sẽ cảm thấy đau rát khi cho con bú, nếu bạn không vệ sinh sạch sẽ còn bị viêm và áp xe.
Nếu bị nứt vú, bạn nên hạn chế cho con bú ở bên bị nứt, cho con ngậm hết cả quầng vú và nhớ vệ sinh vú sạch sẽ sau khi cho con bú. Trước khi cho con bú bạn có thể chườm bằng khăn ấm và xoa bóp để kích thích sữa ra nhanh nhiều và quầng vú được mềm hơn.
Theo kinh nghiệm của nhiều chị em chia sẻ thì bạn có thể lấy một chút sữa mẹ bôi lên vùng da bị nứt để mau lành hơn hoặc tham khảo một số cách trong bài chia sẻ dưới đây của tôi.
Xem thêm: Nứt cổ gà và cách điều trị hiệu quả.
Áp xe vú
Nếu các bạn vệ sinh vú không sạch sẽ thì khả năng bị viêm nhiễm rất cao, nhất là khi bạn bị nứt vú hoặc tắc tia sữa. Áp xe vú do vi khuẩn gây ra thường là tụ cầu, liên cầu hoặc phế cầu.
Khi bị áp xe vú, bạn sẽ thấy đau nhức vú ở sâu bên trong, vú bị viêm sẽ to ra, núm vú tụt, có hạch ở nách, đau khi cử động tay, vai, da quanh vú đỏ tấy, có mủ và mủ có thể chảy ra ở đầu núm vú. Bạn sẽ bị sốt cao, đau đầu, mất ngủ. Ảnh hưởng đến sức khỏe và việc cho con bú.
Khi bị áp xe vú bạn không được cho con bú, hãy đến cơ sở y tế để được điều trị, tránh để tình trạng viêm nhiễm kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu để lâu có thể bạn sẽ bị mất sữa. Con bạn sẽ bị mất đi một nguồn dinh dưỡng tốt.
Để tránh bị áp xe, bạn hãy giữ vệ sinh vú sạch sẽ, nhất là trước và sau khi cho con bú. Tránh để tình trạng nứt núm vú hay tắc tia sữa xảy ra sẽ dễ bị nhiễm khuẩn và hình thành áp xe.
Tắc tia sữa
Nhiều mẹ chưa có kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ thường gặp phải tình trạng này. Sữa mẹ thường đặc về sau, vì thế nếu bé không bú hết thì phần còn lại sẽ dễ bị ứ đọng, lâu dần dẫn đến tắc tia sữa.
Nếu tắc tia sữa không điều trị kịp thời, trong khi sữa vẫn tiếp tục được tiết ra sẽ làm cho ngực của bạn bị căng, tức, rất khó chịu. Nếu để lâu có thể dẫn đến tình trạng viêm và hình thành áp xe.
Tình trạng tắc tia sữa khiến bầu ngực bị căng tức, khó chịu
Để tránh bị tắc tia sữa, các bạn nên cho con bú hết sữa hoặc vắt hết phần sữa thừa sau mỗi lần cho con bú. Nếu bi tắc tia sữa, các bạn có thể tham khảo một số phương pháp dân gian hoặc đến cơ sở y tế để được điều trị bằng phương pháp y khoa.
Xem thêm: Các phương pháp điều trị tắc tia sữa hiệu quả
Tưa đầu vú
Trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm nấm ở lưỡi và miệng thường gọi tưa lưỡi. Khi trẻ bú mẹ, những vi khuẩn nấm sẽ lây sang mẹ, bám ở đầu vú. Chúng xuất hiện thành những mảng trắng, gây ngứa, vú của bạn sẽ bị sưng, ngứa, khó chịu.
Để phòng tránh bạn hãy giữ vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi cho con bú. Đặc biệt là giữ vệ sinh miệng cho trẻ. Các bạn cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ kê đơn và dạy cách vệ sinh miệng cho bé.
Trên đây là những chia sẻ của tôi về những vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ. Thanh Hường và các bạn độc giả có thể tham khảo để có thêm kinh nghiệm cho bản thân khi nuôi con.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, vì thế hãy có gắng duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ đến năm trẻ 2 tuổi là phù hợp nhất. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!