Dấu hiệu, phân loại và diễn tiến của bệnh u nang buồng trứng
U nang buồng trứng lá gì
Các bạn có thể hình dung u nang buồng trứng là hiện tượng xuất hiện một khối u phát triển bất thường trên buồng trứng. Khối này là sự tích tụ dịch tạo thành nang hoặc là tổ chức khác với tổ chức buồng trứng. U nang buồng trứng thường phát triển từ mô của buồng trứng hoặc cũng có thể từ các mô cơ quan khác trong cơ thể.
U nang buồng trứng rất hay gặp ở phụ nữ, nhưng lại thường khó phát hiện sớm, chỉ khi các khối u đã bị viêm, người bệnh mới có thể cảm nhận được cơn đau âm ỉ. Hoặc khi khối u đã phát triển to có thể sờ thấy thì mới nghĩ đến việc mình bị bệnh.
Hình ảnh minh họa u nang buồng trứng
Xem thêm: Tổng quan về bệnh u nang buồng trứng.
Nguyên nhân u nang buồng trứng
U nang buồng trứng có thể xảy ra với bất kì chị em nào, không kể tuổi tác và đã có quan hệ tình dục hay chưa. Khi các nang trong cơ thể chị em phát triển không đầy đủ, không hấp thu được chất lỏng trong buồng trứng sẽ trở thành u nang. Các khối u này được hình thành một phần là do chu kì kinh không phóng noãn, qua nhiều chu kì noãn nang tăng dần kích thước trở thành u nang.
Khối u to lên ở buồng trứng là do viêm nhiễm, các khối u lạc nội mạc tử cung hoặc u biểu mô, u tế bào mầm và u mô đệm…
U nang buồng trứng được chia làm 2 loại là u nang cơ năng và u nang thực thể, các loại này tôi sẽ giải thích chi tiết hơn ở phần sau của bài viết.
Phân loại và diễn tiến của bệnh
Như tôi vừa nói, có hai dạng u nang buồng trứng là u nang cơ năng và u nang thực thể. U nang cơ năng là việc xuất hiện những nang nhỏ ở buồng trứng do rối loạn nội tiết và chức năng buồng trứng gây ra. U nang cơ năng có thể mất đi sau vài chu kì kinh nguyệt mà không cần biện pháp tác động hay điều trị nào cả.
Còn u nang thực thể là những u phát triển từ các tổn thương thực thể ở buồng trứng. Loại này có thể gây ra những tổn thương và biến chứng nghiêm trọng mà các bạn không nên chủ quan.
Các loại u nang thường gặp bao gồm:
-
U nang bì. Là dạng u nang xuất hiện ở buồng trứng, có thể chứa tóc, mô mỡ và các mô khác.
-
U nang tuyến. Dạng khối u phát triển ở bề mặt ngoài của buồng trứng.
-
U nội mạc. Mô nội mạc vốn chỉ có ở trong tử cung nhưng lại phát triển ở bên ngoài và dính vào buồng trứng tạo thành khối u. Đây là hậu quả của lạc nội mạc tử cung.
-
Hội chứng đa nang. Hội chứng mà tôi nói đến ở đây chính là đa nang buồng trứng là khi ở buồng trứng xuất hiện các u nang nhỏ khiến buồng trứng to lên.
Xem chi tiết: Phân biệt các loại u nang buồng trứng.
U nang buồng trứng có diễn tiến theo 4 giai đoạn. Các bạn có thể dưa vào thông tin tôi đưa ra dưới đây để xác định tình hình bệnh của mình đang ở mức độ nào.
Giai đoạn 1. Khối u không phát triển thêm kích thước.
Giai đoạn 2. Khối u biến mất nếu là u nang cơ năng, thường biến mất sau khoảng 2-3 chu kì kinh nguyệt.
Giai đoạn 3. Khối u đã phát triển to ra, chèn ép lên các cơ quan khác khiến người bệnh bị đau bụng dưới, bí tiểu, tiểu rắt, đầy bụng… và thấy bụng ngày càng lớn.
Giai đoạn 4. Khối u bị xoắn. Khối u bị xoắn quanh cuống làm xoắn các mạch máu đến và đi từ buồng trứng (chính là cuống khối u) làm cho tuần hoàn máu bị gián đoạn. Khối u ngày càng bị ứ đọng máu bẩn, trong khi lại thiếu máu đến nuôi dưỡng dẫn đến hoại tử hoặc vỡ. Xoắn hoặc vỡ khối u là tình trạng nghiêm trọng phải cấp cứu ngay để không ảnh hưởng đến tính mạng.
Như vậy, u nang buồng trứng rất nguy hiểm, nhưng tiếc rằng những dấu hiệu đầu tiên lại hay bị chị em bỏ qua. Phần tiếp theo tôi sẽ đưa ra các dấu hiệu của u nang buồng trứng để các bạn đề phòng.
Dấu hiệu u nang buồng trứng
Các bạn có thể quan sát được những dấu hiệu nang buồng trứng để phát hiện bệnh kịp thời. Tránh để bệnh nặng, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và khó khăn trong việc điều trị.
Bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng lúc ban đầu, các chị em chỉ phát hiện ra bệnh khi thấy đau hoặc khi siêu âm mới phát hiện ra. Cùng với một số triệu chứng u nang buồng trứng thường thấy là:
-
Đau bụng dưới, đau vùng chậu hoặc đau một bên buồng trứng.
-
Đau khi giao hợp.
-
Có thể rối loạn kinh nguyệt.
-
Rối loạn đi tiểu, hay đi tiểu nhiều lần.
-
Nôn và buồn nôn.
-
Sờ thấy khối u trên bụng.
-
Bụng to bất thường, luôn cảm thấy chướng bụng.
-
Căng tức ngực.
-
Siêu âm phát hiện thấy các u nang.
-
Người bệnh có thể sốt, chóng mặt, thở nhanh và ngất… khi bệnh nặng.
Đau bụng là một dấu hiệu điển hình của u nang buồng trứng và các bệnh phụ khoa
Chị em bị u nang buồng trứng ban đầu không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và sinh hoạt, vẫn có kinh và sinh con bình thường. Chỉ đến khi các khối u lớn lên, chèn ép lên các bộ phận, cơ quan như buồng trứng, vòi ống dẫn trứng, bàng quang khiến chị em đau bụng thì mới nghĩ đến bệnh.
Biến chứng u nang buồng trứng
Khi chẩn đoán bệnh cho người bệnh, tôi được nghe hàng trăm câu hỏi kiểu như “U nang buồng trứng có nguy hiểm không?” “U nang buồng trứng có thai được không?” “U nang buồng trứng có chữa được không?” ..v.v. Tôi rất hiểu tâm lí của các bạn khi biết mình mang bệnh nên tôi sẽ giải thích để các bạn yên tâm.
Rất nhiều phụ nữ từng bị u nang ít nhất một lần trong đời, và phần lớn u nang buồng trứng là u lành tính có thể tự hết mà không cần điều trị.
Nhưng cũng có những thể u ác mà các bạn không được coi thường. Khi có dấu hiệu của u nang buồng trứng các bạn cần đi khám ngay vì nếu để lâu có thể gây nên biến chứng. Đặc biệt là xoắn buồng trứng.
Như tôi đã nói ở trên, xoắn buồng trứng có thể gây tổn thương hoặc thậm chí là hoại tử mô buồng trứng. Tuy nhiên tình trạng này hiếm gặp và chỉ chiếm khoảng 3% số ca phẫu thuật u nang buồng trứng.
Ngoài ra vỡ u nang cũng là một biến chứng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời.
Điều trị u nang buồng trứng
“U nang buồng trứng có phải mổ không” là một câu hỏi thường gặp ở người bệnh. Tôi không thể trả lời chắc chắn là có hay không mà còn phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
Nếu u nang không tự hết hoặc phát triển nhanh thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp để làm khối u ngừng phát triển, nhỏ lại hoặc phải phẫu thuật cắt bỏ. Một số phương pháp có thể áp dụng đó là.
Dùng thuốc tránh thai. Uống thuốc tránh thai để ngăn rụng trứng và ngăn u nang phát triển ở những nơi khác. Thuốc tránh thai cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng (thường gặp ở phụ nữ mãn kinh).
Mổ nội soi. Nếu nang nhỏ và xét nghiệm loại trừ tế bào ung thư, bác sĩ có thể mổ nội soi để cắt bỏ khối u.
Mổ mở. Nếu u nang đã phát triển có kích thước lớn, bác sĩ sẽ cắt khối u qua đường mổ lớn ở bụng. Sau đó sẽ được làm xét nghiệm để xác định xem có tế bào ung thư hay không. Nếu khối u là u ác thì bạn có thể cắt bỏ tử cung hoàn toàn hoặc cắt hai buồng trứng.
Mổ nội soi để loại bỏ u nang buồng trứng
Xem thêm: Điều trị u nang buồng trứng bằng phương pháp tự nhiên.
Không có cách nào để phòng tránh được bệnh u nang buồng trứng, các bạn chỉ có thể đi khám định kì để phát hiện u càng sớm càng tốt. Hãy đến cơ sở y tế uy tín để được khám chữa vì triệu chứng của u nang buồng trứng rất giống với ung thư buồng trứng nên nên cần chẩn đoán đúng. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!