Viêm niệu đạo ở phụ nữ: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm niệu đạo là gì
Trước tiên tôi sẽ giải thích cho các bạn hiểu niệu đạo là gì. Đây là bộ phận nối tử bàng quang đến lỗ tiểu, có chức năng đưa nước tiểu ra ngoài, còn ở nam giới nó còn có chức năng dẫn tinh dịch ra ngoài.
Viêm niệu đạo là tình trạng niệu đạo bị sưng, viêm, khiến người bệnh khó tiểu, đau buốt khi đi tiểu.
Triệu chứng viêm niệu đạo
Có nhiều người không chú ý đến những triệu chứng của viêm niệu đạo, chỉ khi cảm giác đau buốt, khó chịu kéo dài thì mới đi khám. Tôi sẽ tổng hợp lại những triệu chứng của viêm Khi bị viêm niệu đạo để các bạn theo dõi.
-
Thấy đau khi đi tiểu, tiểu dắt, nước tiểu đục, đôi khi có lẫn máu, rất nhanh buồn đi vệ sinh, có khi chỉ vài phút là lại muốn đi. Khi đi tiểu, các bạn có thể cảm nhận được niệu đạo nóng, rát, đau buốt…
-
Các bạn có thể thấy đau lan sang các cơ quan xung quanh ở bụng dưới, đau phần giữa bộ phận sinh dục và hậu môn.
-
Trường hợp bạn bị viêm niệu đạo mãn tính dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn sẽ cảm thấy đau lưng, rối loạn tiêu hóa, sốt toàn thân, ớn lạnh…
-
Dịch âm đạo ra nhiều, có dạng mủ, nhớt, ngứa nhiều ở khu vực giữa hậu môn và âm đạo.
-
Khi khám sẽ thấy lỗ niệu đạo sưng đỏ, có nhiều dịch âm đạo, dạng mủ. Xét nghiệm thấy trong nước tiểu có vi khuẩn.
Nếu bạn nhận thấy có những triệu chứng bất thường trên thì rất có thể bạn đã bị viêm niệu đạo. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bạn. Vì vậy tôi khuyên các bạn hãy nhanh chóng đi khám để phát hiện bệnh kịp thời.
Nguyên nhân viêm niệu đạo
Thông thường, phụ nữ thường dễ bị viêm niệu đạo hơn nam giới vì cấu tạo niệu đạo khác biệt hơn. Niệu đạo ở phụ nữ có hình dạng thẳng, ngắn (chỉ khoảng 3-4cm) và rộng hơn nam giới nên dễ bị xâm nhập bởi vi khuẩn hơn.
Chưa hết, vị trí của lỗ niệu đạo lại ở rất gần âm đạo và hậu môn – nơi có rất nhiều vi khuẩn trú ngụ và sinh sôi nên niệu đạo lại càng dễ bị vi khuẩn tấn công. Chính vì thế mà có đến 70% trường hợp bị viêm niệu đạo là nữ giới.
Niệu đạo của phụ nữ ngắn và rộng nên dễ bị viêm hơn nam giới
Vệ sinh vùng kín kém cũng là nguyên nhân khiến các bạn bị viêm niệu đạo. Đặc biệt là trong chu kì kinh nguyệt, nếu các bạn vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, không thay băng thường xuyên (từ 3-4 tiếng/lần) thì sẽ tăng nguy cơ bị viêm niệu đạo và viêm âm đạo.
Với phụ nữ mang thai, tử cung sẽ nở to hơn mức bình thường rất nhiều lần, tử cung sẽ đè lên bàng quang, niệu đạo, cùng với sự thay đổi nội tiết làm cho ống niệu đạo nở ra, ít co bóp khiến nước tiểu chảy ra chậm và tạo thành dịch. Điều này cũng làm tăng nguy cơ viêm niệu đạo ở chị em trong thời kì mang thai.
Nhịn tiểu lâu cũng là nguyên nhân gây viêm niệu đạo. Tôi sẽ giải thích dễ hiểu rằng, nhịn tiểu lâu sẽ khiến nước tiểu ứ đọng, nước tiểu bị tràn đến niệu đạo, những vi khuẩn trong nước tiểu sẽ phát triển gây viêm nhiễm.
Quan hệ tình dục không an toàn, thô bạo cũng là nguyên nhân mắc các bệnh như giang mai, lậu, Chlamydia… và viêm niệu đạo.
Biến chứng viêm niệu đạo
Viêm niệu đạo mặc dù không gây nguy hiểm nhưng những triệu chứng và biến chứng của nó lại gây khó chịu trong cuộc hằng ngày của các bạn. Chưa hết nếu viêm niệu đạo biến chứng có thể gây ra những hậu quá khó lường. Từ kinh nghiệm của bản thân và từ những trường hợp bệnh nhân tôi đã gặp, tôi sẽ tổng hợp lại những biến chứng có thể xảy ra của bệnh viêm niệu đạo ở phụ nữ.
-
Khó tiểu. Sự viêm nhiễm do vi khuẩn sẽ hình thành ổ apxe trong niệu đạo khiến niệu đạo bị hẹp đi, các bạn sẽ thấy khó tiểu, dòng nước tiểu nhỏ, chảy lâu.
-
Tình trạng viêm nhiễm sẽ làm bạn thấy ngứa âm hộ, gây khó chịu, cản trở trong sinh hoạt hằng ngày.
-
Tình trạng viêm nhiễm nặng có thể gây nên viêm khớp gối.
-
Nếu không điều trị kịp thời viêm niệu đạo có thể lây lan sang các cơ quan khác như viêm âm hộ, viêm âm đạo, viêm vùng chậu…
-
Nếu tình trạng viêm ở các cơ quan khác tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến những nguy cơ như viêm buồng trứng, viêm cổ tử cung… phải cắt bỏ dẫn đến vô sinh. Nếu bạn đang mang thai mà bị viêm nhiễm niệu đạo và phần phụ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thai nhi có thể bị viêm kết mạc, ảnh hưởng đến thị lực, nhiễm trùng đường hô hấp. Thậm chí nguy cơ bị sảy thai cao.
-
Viêm niệu đạo có thể lây qua đường tình dục, vì thế có thể lây sang cho bạn tình của mình.
Điều trị viêm niệu đạo
Để điều trị viêm niệu đạo, cách thường dùng nhất là dùng kháng sinh, kháng sinh sẽ ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn, đồng thời ức chế sự tổng hợp protein và phát triển tế bào viêm niệu đạo.
Thời gian điều trị kháng sinh từ 5-14 ngày. Riêng với trường hợp bị viêm niệu đạo do vi khuẩn Chlamydia và Mycoplasma thì thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn. Ngoài điều trị cho bản thân thì các bạn cũng phải đưa chồng, bạn tình đến để kiểm tra xem có bị lây nhiễm hay không. Nếu có phải điều trị cho cả hai để tránh lây nhiễm.
Trường hợp bệnh nhân bị nặng thì bác sĩ sẽ tiến hành đặt thông tiểu kết hợp với điều trị bằng thuốc. Đặt thông tiểu sẽ giúp niệu đạo mở, tránh bị phù nề do các mảnh niêm mạc tróc ra, tránh chảy máu niệu đạo.
Tôi lưu ý các bạn, trong quá trình điều trị phải tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc uống, không tự ý dừng khi chưa hết liệu trình, điều đó sẽ làm cho bệnh càng diễn tiến phức tạp bởi hiện tượng kháng thuốc, càng khó điều trị hơn.
Phòng tránh viêm niệu đạo
Để phòng tránh viêm niệu đạo, cách tốt nhất là giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Tôi sẽ đưa ra một số lời khuyên các bạn nên lưu ý:
-
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hằng ngày. Vệ sinh bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý 1-2 lần/ngày. Thay quần lót 1-2 lần/ngày.
-
Không lạm dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ có xà phòng, có mùi thơm. Tốt nhất các bạn nên sử dụng những loại lá dân gian, vừa dễ kiếm, đơn giản mà chi phí thấp, trong khi hiệu quả cao.
-
Không mặc quần chật, bí. Mặc quần lót thoáng, thấm hút mồ hôi. Tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển ở vùng kín.
-
Thay băng vệ sinh thường xuyên khi đến kì kinh nguyệt. Thay băng sau 3-4 tiếng/lần. Các bạn cũng nên hạn chế dùng băng vệ sinh hằng ngày vì làm tăng nguy cơ vi khuẩn từ hậu môn tấn công vào âm đạo, niệu đạo.
-
Nếu không thể triệt lông, các bạn nên cắt tỉa gọn gàng lông vùng kín.
-
Chế độ sinh hoạt, luyện tập và ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể.
-
Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, tránh thô bạo gây tổn thương đến âm đạo, niệu đạo… tránh lây nhiễm bệnh.
-
Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Giữ vệ sinh vùng kín là cách tốt nhất để phòng tránh viêm niệu đạo
Trên đây là những chia sẻ của tôi về bệnh viêm niệu đạo ở phụ nữ. Hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn. Nếu có bất kì thắc mắc nào hãy gửi câu hỏi về cho tôi, tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe.
Xem thêm: Viêm niệu đạo khi mang thai và những điều bạn cần biết.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!