Phương pháp đẻ không đau – Gây tê ngoài màng cứng và những ưu nhược điểm
Làm mẹ là một sứ mệnh thiêng liêng mà người phụ nào cũng mong muốn, các chị em phải chịu mang nặng đẻ đau để hoàn thành được sứ mệnh đó. Trong nghiệp y khoa của mình, tôi đã chứng kiến rất nhiều những ca sinh nở, mặc dù cũng là phụ nữ nhưng quả thực tôi vô cùng ngưỡng mộ các chị em.
Cơ thể con người chịu được tối đa 45 đơn vị đau (del unit) trong khi một cơn chuyển dạ lại tương ứng với 57 đơn vị đau. Giống như khi chúng ta bị bẻ gãy 20 chiếc xương sườn cùng một lúc vậy.
Tôi đã chứng kiến không ít những cơn chuyển dạ khó khăn, những sản phụ khóc ngất, gào thét và cầu cứu trong nhiều giờ nhìn rất đáng thương. Bản thân tôi cũng từng sinh con nên tôi hiểu sự đau đơn này của các chị em.
Tôi từng công tác tại các bệnh viện lớn nên điều kiện y khoa phát triển, bác sĩ giàu kinh nghiệm và biết cách hướng dẫn sản phụ hít thở, dặn đẻ đúng cách để các chị em không bị mất sức và cơn chuyển dạ diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên những công tác hỗ trợ này không giúp làm giảm cơn đau cho các chị em. Nhưng may mắn là khoa học ngày nay phát triển và có những phương pháp giúp giảm cơn đau cho sản phụ. Hôm nay tôi sẽ giới thiệu cho các bạn một cách tổng quan và những ưu nhược điểm của phương pháp đẻ không đau này.
Phương pháp đẻ không đau đầu tiên
Phương pháp đẻ không đau mà tôi nói đến trong bài chia sẻ này là gây tê ngoài màng cứng, phương pháp được thực hiện lần đầu tiên và đầu thế kỉ 19 bởi Sicard và Cathelin khi họ tiến hành gây tê qua khe xương cùng và thành công.
Nhưng mãi đến những năm 70 của thế kỉ trước phương pháp này mới được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Còn ở Việt Nam, trong khoảng dưới 10 năm trở lại đây mọi người mới biết đến và áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người hoài nghi về công dụng và e ngại về tác dụng phụ và biến chứng của nó.
Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về gây tê ngoài màng cứng, bài viết này tôi sẽ giải thích về cơ chế và phân tích những ưu nhược điểm của phương pháp này để các bạn cân nhắc.
Gây tê ngoài màng cứng là gì?
Gây tê ngoài màng cứng là cách đưa thuốc tê vào khoang màng cứng để giảm cơn đau khi chuyển dạ. Các bạn hãy hình dung, cột sống của con người gồm các đoạn đốt sống cổ, đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng, đốt sống cùng và đốt sống cụt. Các đoạn đốt sống này tạo thành hai chữ S kéo dài.
Khoang màng cứng được giới hạn trên bởi lỗ chẩm, giới hạn dưới bởi túi cùng nằm ở đốt cùng 2, giới hạn sau là dây chằng vàng. Ở khoang màng cứng có nhiều tổ chức mô, mạch máu, các tĩnh mạch chạy dài hai bên.
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng giúp sản phụ đẻ không đau
Khi tiêm thuốc vào màng cứng, thuốc sẽ được phân tán đối xứng xuống các vùng lân cận, làm tê liệt những vùng chịu nhiều áp lực nhất khi chuyển dạ. Thuốc sẽ có tác dụng từ núm vú xuống đến vùng chậu và tới ngón chân.
Nhờ tác dụng của thuốc tê các bạn không cảm giác đau đớn khi chuyển dạ nữa. Kĩ thuật gây tê ngoài màng cứng này không chỉ được áp dụng cho những ca khó sinh, những sản phụ không chịu được đau mà còn áp dụng cho những trường hợp phẫu thuật lớn ở ngực, bụng và chi.
Ưu nhược điểm của gây tê ngoài màng cứng
Ưu điểm
Đúng như tên gọi của nó, ưu điểm lớn nhất của gây tê ngoài màng cứng là giảm đáng kể cơn đau cho sản phụ khi chuyển dạ. Những sản phụ của tôi sau khi được tiêm thuốc tê xong đều có phản hồi tích cực về hiệu quả giảm đau của phương pháp này. Nhìn chung cơn đau biến mất rõ rệt và có những sản phụ chỉ còn cảm giác hơi tức vùng chậu.
Ngoài hiệu quả giảm đau thì phương pháp này còn có nhiều ưu điểm khác, tôi xin liệt kê ra một vài ưu điểm như sau.
-
Thuốc gây tê chỉ tác động lên cơ thể mà mà không ảnh hưởng đến em bé.
-
Thuốc gây tê có tác động phần lớn lên vùng chậu, hai chi và từ núm vú trở xuống nên toàn bộ cơ thể không bị tê liệt, sản phụ vẫn giữ được tỉnh táo trong quá trình chuyển dạ.
-
Thuốc tê sẽ có tác dụng trong suốt quá trình sinh nở.
-
Bác sĩ có thể điều chỉnh được liều lượng cũng như cường độ tiêm thuốc tê trong quá trình sinh nở sao cho phù hợp với cơ thể người mẹ, tránh bị sốc do quá nhiều thuốc tê hoặc vẫn đau khi thuốc tê không đủ.
-
Gây tê màng cứng sẽ giảm nguy cơ tử vong và biến chứng so với những trường hợp gây tê toàn bộ cơ thể.
-
Những trường hợp sinh khó, thai ngược, thai đôi, tiền sản giật và chuyển dạ kéo dài sẽ được chỉ định áp dụng kĩ thuật gây tê màng cứng để cơn chuyển dạ diễn ra dễ dàng và thành công.
Nhược điểm
Bên cạnh ưu điểm lớn nhất là giảm đau khi chuyển dạ thì gây tê ngoài mang cứng cũng ẩn chứa một vài nguy cơ. Tuy những biến chứng này rất hiếm gặp và bản thân tôi cũng chưa tửng gặp bất kì biến chứng nghiêm trọng nào nhưng tôi vẫn đưa vào trong bài viết này để các bạn cân nhắc.
-
Bạn sẽ phải giữ nguyên một tư thế trong suốt 15-20 phút để tiêm thuốc và chờ thuốc phát huy tác dụng, chờ lâu khi cơn đau đang kéo đến sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và rất khó chịu.
-
Trường hợp bác sĩ tiêm nhiều thuốc tê, bạn sẽ bị mất cảm giác ở hai chân. Sau khi sinh xong, bạn phải chờ đến khi thuốc hết tác dụng mới có thể đi lại được.
-
Nếu bác sĩ tiêm thuốc sớm, có thể bạn sẽ bị mất đi phản xạ dặn và khả năng cảm nhận cơn co thắt tử cung, điều này có thể khiến cho cuộc chuyển dạ kéo dài hơn hoặc khó sinh.
-
Gây tê ngoài màng cứng có thể gây ra một vài biến chứng, dó thuốc sẽ được vận chuyển đến nhiều bộ phận trên cơ thể nên có thể xảy ra biến chứng, rối loạn ở hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và thần kinh. Biến chứng thường xảy ra là hạ huyết áp, mạch đập chậm, buồn nôn, nôn, bí tiểu, thở yếu hoặc thậm chí ngừng thở…
-
Có trường hợp co giật do nhiễm độc thuốc tê nhưng rất hiếm xảy ra, màng não bị kích thích dẫn đến đau đầu, hệ thần kinh có thể bị liệt do bị tổn thương một rễ thần kinh…
-
Sau khi gây tê ngoài màng cứng, các bạn có thể bị đau lưng do tổn thương dây chằng và cơ. Có thể bị tụ máu do dùng kim to chọc nhiều lần.
Phải giữ nguyên tư thế gây tê ngoài màng cứng khá lâu có thể khiến bạn bị mỏi
Những trường hợp không được gây tê ngoài màng cứng
Có lẽ đây là một phương pháp tuyệt vời giúp các chị em không còn cảm giác đau đớn khi chuyển dạ, tuy nhiên không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp này. Tôi xin đưa ra những trường hợp chống chỉ định với phương pháp này, bao gồm:
-
Trường hợp bệnh nhân bị rối loạn đông máu hoặc đang điều trị rối loạn đông máu. Việc tiêm thuốc vào màng cứng có thể gây chảy máu trong màng cứng, rất dễ hình thành các cục máu đông chèn ép lên dây thần kinh gây biến chứng nguy hiểm.
-
Bệnh nhân bị nhiễm trùng toàn thân, hoặc nhiễm trùng tại chỗ, vùng da chọc kim tiêm. Nếu gây tê ngoài màng cứng ở vùng da bị nhiễm trùng có thể bị viêm nhiễm, áp xe khoang màng cứng, viêm màng não tủy.
-
Người bị tăng áp lực nội sọ. Nếu tiêm vào màng cứng có thể dẫn đến tụt kẹt não ở bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ.
-
Người bị nhiễm khuẩn máu, giảm thể tích tuần hoàn, hẹp van động mạch chủ… Đều không được áp dụng kĩ thuật này.
Gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng đến thai nhi. Thực tế theo thống kê thì những trẻ được sinh ra khi thai phụ sử dụng kĩ thuật gây tê ngoài màng cứng vẫn khỏe mạnh như bình thường, thậm chí những em bé này còn có chỉ số apgar cao hơn những trẻ sinh thường.
Tuy nhiên để tránh những biến chứng có thể xảy ra, nếu bạn vẫn có khả năng chịu đau thì hãy cố gắng sinh thường. Khi đó bạn sẽ càng trân trọng hơn thiên chức làm mẹ của mình. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe và hạnh phúc.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!