Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Triệu chứng, cách phòng tránh và điều trị
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì
Cổ tử cung là nơi tiếp nối giữa âm đạo và tử cung, có tác dụng ngăn không cho những tác nhân có hại tấn công vào trong âm đạo gây bệnh, đồng thời đây cũng là nơi đón tinh trùng thâm nhập vào bên trong để thụ tinh.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng các tuyến nằm dưới lớp niêm mạc tử cung bị lộ ra ngoài, các tế bào sẽ xâm lấn ra bề mặt tử cung. Những tuyến này có tác dụng tiết dịch bôi trơn, khi bị lộ ra ngoài sẽ tăng nguy cơ bị viêm nhiễm, khi đó được gọi là viêm lộ tuyến.
Có nhiều bệnh nhân của tôi vẫn thường thắc mắc về việc phân biệt viêm cổ tử cung và viêm lộ tuyến. Tôi sẽ giải thích để các bạn hiểu như sau. Viêm cổ tử cung là tình trạng viêm ở cổ tử cung thông thường do các tác nhân có hại gây ra như vi khuẩn, nấm Candidas, trùng roi Trichomonas, lậu…
Trong khi đó viêm lộ tuyến là khi các tuyến bị lộ ra ở bề mặt cổ tử cung và bị viêm. Có những trường hợp bị lộ tuyến cổ tử cung nhưng không viêm, và có trường hợp viêm cổ tử cung nhưng không lộ tuyến như tôi vừa nói ở trên. Nhưng thông thường, nếu lộ tuyến thường xảy ra thì hầu hết sẽ bị viêm, nguyên nhân phần lớn là do viêm nhiễm xâm lấn từ âm đạo ngược lên.
Xem thêm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm cổ tử cung.
Triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung
Triệu chứng của viêm lộ tuyến cổ tử cung thường giống với nhiều bệnh phụ khoa nói chung. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi tổng hợp lại những triệu chứng phổ biến nhất của căn bệnh này để mọi người đối chiểu.
Khí hư bất thường
Khí hư bất thường là dấu hiệu đầu tiên của các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm tử cung, viêm buồng trứng… và đặc biệt là viêm lộ tuyến. Khi đó bạn sẽ thấy khí hư ra rất nhiều, có màu trắng đục hoặc có khi chuyển dần sang màu vàng, một số trường hợp khí hư có mùi khó chịu.
Nếu khí hư ra nhiều mà không phải nguyên nhân sinh lý như rụng trứng, mang thai, khi bị kích thích… mà lại kèm theo các dấu hiệu: Màu sắc thay đổi (xanh, vàng, trắng, đôi khi có lẫn máu…), trạng thái (lỏng, đặc hoặc vón cục) và có mùi hôi tanh thì chắc chắn bạn đã bị mắc bệnh phụ khoa, cần đi khám để biết chắc chắn đó là bệnh gì.
Xem thêm: Dấu hiệu khí hư bất thường.
Đau bụng, đau vùng chậu
Vùng bụng dưới và vùng chậu là nơi tập trung các cơ quan sinh sản, nếu bạn cảm thấy đau tức bụng dưới, đau mỏi lưng, và đau nhiều khi có kinh nguyệt thì rất có thể một hoặc nhiều cơ quan trong vùng chậu đã bị ảnh hưởng bởi viêm nhiễm, trong đó có viêm lộ tuyến cổ tử cung. Đặc biệt bạn sẽ thấy đau hơn khi quan hệ tình dục.
Tiểu nhiều, tiểu khó
Nếu bạn hay buồn tiểu nhưng mỗi lần đi tiểu lại khó khăn, đau buốt thì khả năng là mức độ viêm nhiễm phụ khoa đã lan rộng đến bàng quang, niệu đạo. Bàng quang bị kích thích khiến bạn hay buồn tiểu, niệu đạo cũng bị tổn thương khiến bạn cảm thấy đau buốt khi đi tiểu.
Kinh nguyệt thất thường
Chu kì kinh nguyệt chịu sự điều hòa của nội tiết tiết ra từ buồng trứng. Nếu viêm lộ tuyến xâm lấn và lan đến vòi trứng, ống dẫn trứng, buồng trứng thì có thể ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt và khả năng sinh sản, có thể dẫn đến vô sinh.
Ngoài ra bạn sẽ thấy đôi lúc ra máu thất thường, nhất là sau khi quan hệ. Nguyên nhân của tình trạng này là cổ tử cung bị tổn thương, lớp niêm mạc cổ tử cung sần sùi, khi quan hệ bị cọ xát dẫn đến chảy máu. Số lượng máu nhiều hay ít là tùy trường hợp, nhưng bạn hãy lưu ý dù lượng máu rất nhỏ, nó có thể báo hiệu tình trạng bệnh đã rất nghiêm trọng (viêm lộ tuyến cấp độ 3 gây chảy máu).
Nếu các bạn có một trong những dấu hiệu trên thì tôi khuyên các bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám chữa. Vì phát hiện bệnh càng sớm thì điều trị càng dễ, đừng để đến khi bệnh đã nặng thì rất khó cứu chữa.
Xem thêm: Rối loạn kinh nguyệt: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung
Khi nghi ngờ bị viêm lộ tuyến, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra soi cổ tử cung, bằng cách bôi lên bề mặt niêm mạc tử cung loại hóa chất để kiểm tra mức độ viêm lộ tuyến. Các cấp độ viêm lộ tuyến cổ tử cung bao gồm:
-
Cấp độ 1: Đây là cấp độ nhẹ, diện tích vùng lộ tuyến chiếm chưa đến ½ diện tích bề mặt cổ tử cung, cổ tử cung sưng đỏ.
-
Cấp độ 2: Cấp độ năng hơn, diện tích vùng lộ tuyến chiếm ½ diện tích bề mặt cổ tử cung. Cổ tử cung lúc này đã sưng tấy, viêm loét.
-
Cấp độ 3: Cấp độ nặng, diện tích vùng lộ tuyến nhiều hơn một nửa diện tích bề mặt cổ tử cung. Cổ tử cung sưng tấy, loét, chảy máu, mưng mủ.
Các cấp độ viêm lộ tuyến cổ tử cung
Sau khi xác định bị viêm lộ tuyến, các bạn sẽ được bác sĩ chỉ định làm sinh thiết. Mô ở cổ tử cung được lấy ra để làm sinh thiết tế bào phát hiện sớm tế bào ung thư. Đây là xét nghiệm phát hiện ung thư sớm, phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
Biến chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung
Không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Có nhiều bệnh nhân của tôi đến khám khi bệnh đã năng và gây ra biến chứng. Tôi xin chia sẻ với các bạn những biến chứng nguy hiểm để các bạn lưu ý.
Ung thư cổ tử cung. Viêm lộ tuyến điều trị đơn giản và dứt điểm, tuy nhiên nếu không phát hiện sớm mà để bệnh kéo dài thì khả năng bạn bị ung thư cổ tử cung là rất lớn.
Vô sinh. Viêm lộ tuyến sẽ khiến cổ tử cung trở nên sần sùi, dịch nhầy tiết ra nhiều, cản trở quá trình thụ tinh vì vậy bạn sẽ khó thụ thai. Chưa kể tình trang viêm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan sính sản khác như buồng trứng, vòi trứng, ống dẫn trứng… ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Viêm nhiễm các cơ quan khác. Viêm nhiễm sẽ có xu hướng lan rộng nếu để lâu, vì thế các cơ quan xung quanh như buồng trứng, bàng quang, niệu đạo cũng bị ảnh hưởng và bị viêm nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung
Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung các bạn sẽ phải kết hợp điều trị cả viêm và lộ tuyến. Điều trị viêm cũng giống với điều trị viêm cổ tử cung, các bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc đặt và thuốc uống hoặc tiêm.
Tùy theo nguyên nhân gây viêm lộ tuyến là gì thì bác sĩ sẽ cho bạn loại thuốc phù hợp. Ví dụ bạn bị viêm do nấm Candidas thì thuốc đặt âm đạo sẽ là thuốc kháng nấm, uống thuốc kháng sinh hoặc vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Tương tự với tác nhân gây bệnh là trùng roi Trichomonas hoặc vi khuẩn… thì sẽ có loại thuốc đặc hiệu.
Sau khi điều trị viêm xong, bạn sẽ được điều trị lộ tuyến bằng phương pháp đốt điện cao tần, áp lạnh hoặc dùng tia laze. Nhưng các bạn hãy lưu ý, điều kiện để áp dụng phương pháp điều trị lộ tuyến đó là:
-
Đã điều trị khỏi viêm.
-
Sau khi sạch kinh 2-3 ngày.
-
Không quan hệ tình dục trong quá trình điều trị.
-
Tái khám sau một tháng để kiểm tra kết quả điều trị.
Xem thêm: bài chia sẻ của một độc giả về cách điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung.
Phòng tránh viêm lộ tuyến cổ tử cung
Để giúp các bạn phòng tránh viêm lộ tuyến cổ tử cung nói riêng và các bệnh viêm phụ khoa nói chung, tôi có lời khuyên cho các bạn như sau.
-
Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô thoáng. Vệ sinh vùng kín ngày 1-2 lần, rửa nhẹ nhàng bên ngoài.
-
Không lạm dụng các dung dịch tẩy rửa có chứa bazo và mùi hương sẽ làm mất cân bằng pH trong môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.
-
Không thụt rửa âm đạo, chỉ rửa nhẹ nhàng bên ngoài để tránh những tác nhân có hại xâm nhập vào sâu trong âm đạo.
-
Mặc quần lót rộng, thoáng, sử dụng vải cotton để thấm mồ hôi tốt.
-
Đi khám phụ khoa định kì để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
Trên đây là những chia sẻ của tôi về căn bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung mà nhiều chị em gặp phải. Sau khi đọc bài viết này, các bạn không nên chủ quan và xem nhẹ vì bệnh này có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung và vô sinh. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng việc đi khám sức khỏe định kì. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!