Những lưu ý khi sinh mổ mẹ bầu nào cũng phải biết
Nhiều chị em thường nghĩ sinh mổ đơn giản hơn sinh thường nhưng thực tế không phải vậy, sinh mổ cần có chế độ chăm sóc hết sức đặc biệt để phục hồi sức khỏe và chức năng cho sản phụ. Hơn nữa sinh mổ có nguy cơ bị hậu sản và nhiễm trùng cao hơn bình thường. Vì vậy các bạn phải hết sức lưu ý những điều tôi đưa ra trong bài viết này.
Trường hợp nào phải sinh mổ
Các bạn nên chuẩn bị sẵn tâm lý vì nếu năm trong số những trường hợp dưới đây thì bạn sẽ phải sinh mổ.
Phải sinh mổ do thai phụ:
-
Nếu bạn mắc các bệnh như thiếu máu, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hen phế quản thì khả năng cao bạn sẽ phải sinh mổ.
-
Trường hợp bạn bị nhiễm độc thai nghén.
-
Bạn có tiền sử phải sinh mổ.
-
Do cấu tạo khung xương chậu hẹp hoặc tử cung bất thường khiến em bé không thể lọt qua.
Phải sinh mổ do thai nhi
-
Do em bé không chúi đầu xuống dưới mà nằm xuôi hoặc nằm ngang tức là ngôi thai ngược.
-
Do em bé có kích thức quá lớn không thể chui qua tử cung để ra ngoài.
-
Nhau thai tiền đạo, tức là nhau thai ở dưới thấp tử cung khiến thai nhi không thể chui qua.
-
Sa dây rốn, tức là dây rốn sa xuống dưới thấp cản trở đường ra của em bé.
Và một số nguyên nhân khác như sản phụ khó sinh, đa thai, thai quá ngày, chuyển dạ kéo dài, vỡ tử cung… thì bác sĩ cũng chỉ định mổ để lấy thai ra kịp thời.
Trong nhiều trường hợp bác sĩ chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé
Những lưu ý sau khi sinh mổ
Tư thế nằm
Các bạn nên nằm nghiêng và liên tục thay đổi tư thế nằm của mình để tránh tử cung co thắt và tránh bị nôn. Các bạn có thể kê gối dưới lưng hoặc nâng cao giường tạo thành một góc 20-30 độ để nằm thoải mái nhất.
Sau khi sinh các bạn nên dành phần lớn thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe. So với sinh thường thì sản phụ sinh mổ sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe hơn. Tuy nhiên các bạn không nên nằm trên giường quá lâu sẽ làm ứ đọng sản dịch và tăng nguy cơ viêm dính.
Vận động
Sau 1 ngày, các bạn phải đứng dậy đi lại, vận động chân tay nhẹ nhàng. Việc vận động này sẽ giúp tăng cường nhu động ruột, tránh nguy cơ bị dính ruột và còn giúp vết mổ mau lành.
Ban đầu bạn sẽ thấy đau đớn khi phải đi lại nhưng hãy cố gắng, chỉ sau vài ngày bạn sẽ thấy thoải mái hơn do vết thương đang dần bình phục và máu được lưu thông. Trường hợp vết mổ quá đau không thể chịu được bạn có thể yêu cầu bác sĩ tiêm thuốc giảm đau phù hợp.
Đầu tiên các bạn có thể tập với tay, sau đó đi lại nhẹ nhàng quanh giường bệnh, khi về nhà bạn vẫn nên duy trì bài tập này, tuy nhiên cơ thể phụ nữ sau sinh rất yếu nên không được vận động mạnh hay mang vật nặng.
Chế độ ăn uống
Ngày đầu tiên sau khi mổ xong, các bạn chỉ được uống nước lọc, nước đường và ăn cháo loãng, cho đến khi thấy hệ tiêu hóa hoạt động bình thường trở lại bằng biểu hiện có thể xì hơi thì khi đó mới ăn thức ăn đặc hơn.
Các loại thức ăn các bạn có thể ăn sau khi sinh là thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như sữa, cháo loãng, hoặc các đồ ăn như phở, bún… Sang đến ngày thứ hai các bạn có thể ăn nhiều món ăn khác nhau để đảm bảo sữa có đủ chất dinh dưỡng cho con bú.
Tôi lưu ý các bạn trong thời gian này các bạn nên ăn một số thực phẩm tốt cho sản phụ như rau ngót giúp nhanh hết sản dịch, ăn đu đủ để có nhiều sữa, ngoài đu đủ các bạn nên ăn một số thực phẩm như măng tây, thịt bò, cá hồi, bột yến mạch, sữa và đặc biệt là uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú.
Những thực phẩm tốt cho phụ nữ sau sinh
Xem thêm: Mẹ nên ăn gì để có nhiều sữa cho con bú.
Vệ sinh cá nhân
Cơ thể người mẹ sau khi sinh sẽ rất yếu, sức đề kháng suy giảm nên rất dễ bị vi khuẩn tấn công. Vì vậy các bạn phải hết sức lưu ý việc giữ vệ sinh cá nhân trong thời gian này.
Có nhiều quan niệm thuộc thế hệ trước là sản phụ phải kiêng tắm gội trong một tháng nhưng điều này là phản khoa học. Việc tắm gội giúp loại bỏ mồ hôi, chất bẩn và các vi khuẩn, tắm gội giúp cơ thể người mẹ sạch sẽ tránh lây bệnh sang cho em bé.
Ngày đầu tiên bạn chỉ cần lau người bằng nước ấm và khăn sạch, khoảng 3-4 ngày sau bạn có thể tắm toàn thân bằng nước ấm trong 5-10 phút, tắm ở phòng kín gió bằng cách dội xả nước, không ngâm mình trong bồn tắm. Sau khi tắm xong nhanh chóng lau khô người và mặc quần áo dài, kín cổ và tay chân rồi nhanh chóng trở lại buồng ngủ.
Các bạn không nên tắm gội cùng một lúc bởi thời gian tiếp xúc với nước lâu có thể bị nhiễm lạnh, tốt hơn nên tắm trước, sau đó vài tiếng đợi sang buổi chiều hãy gội đầu. Gội đầu xong nên dùng khăn khô lau sạch nước hoặc sấy khô.
Về việc vệ sinh âm hộ, các bạn nên vệ sinh ít nhất 3 lần một ngày vào sáng/chiều/tối. Nếu sản dịch ra nhiều thì các bạn phải vệ sinh nhiều lần hơn. Chúc ý các dụng cụ, nguồn nước vệ sinh phải đảm vệ sinh để tránh viêm nhiễm.
Tôi lưu ý các bạn sinh mổ hoặc những sản phụ phải rạch tầng sinh môn, khi tắm các bạn chỉ nên tắm nhẹ nhàng với nước không dùng xà phòng và tắm nhẹ nhàng, tránh động chạm đến vết mổ có thể gây bục chỉ, tổn thương rất khó lành.
Chăm sóc vết mổ
Sau khi mổ nếu nằm tại bệnh viện các y bác sĩ sẽ làm vệ sinh vết mổ cho bạn, nếu bạn về nhà thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cách vệ sinh. Các bạn hãy làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ , không tự ý bôi hoặc rửa bất cứ thứ gì lên vì rất có thể bị nhiễm trùng.
Trong thời gian kiêng cữ ở nhà, các bạn nên tránh tiếp xúc với khói thuốc vì khói thuốc sẽ làm co các mạch máu ngoại vi, giảm lượng máu tưới đến vết thương đồng thời làm giảm lượng oxi tới các tế bào ở đây. Điều này có thể khiến vết thương khó lành, dễ viêm nhiễm và nguy hiểm có thể bị hoại tử mô.
Nếu các bạn bị một trong số các bệnh như suy gan, suy thận, tiểu đường, huyết áp như tôi đã nói ở phần đầu thì cũng rất lâu lành vết thương. Hãy nói với bác sĩ để có biện pháp can thiệp thích hợp.
Kiêng cữ sau khi sinh mổ
Kiêng cữ sau sinh là vấn đề mà rất nhiều chị em quan tâm vì đây là giai đoạn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và bé sau này. Trong phạm vi bài viết này tôi sẽ đưa ra một số lời khuyên mang tính khoa học cho các bạn trong thời gian kiêng cữ với phụ nữ sinh mổ.
Một số lời khuyên của tôi đối với vấn đề kiêng cữ sau khi sinh mổ bao gồm:
-
Tránh làm việc nặng. Cơ thể phụ nữ sau khi vượt cạn sẽ rất yếu nên bạn đừng cố gắng làm việc gì quá sức của mình. Cũng không nên mang vác vật nào nặng hơn em bé.
-
Kiêng uống nước lạnh. Sau khi sinh các bạn cần uống nhiều nước để có nhiều sữa cho em bé, nhưng các bạn chỉ nên uống nước ấm hoặc nước có nhiệt độ không thấp hơn nhiệt độ phòng.
-
Tránh gió. Không chỉ với sản phụ sinh mổ mà cả sinh thường cũng phải chú ý điều này. Sau khi vượt cạn, cơ thể các bạn như được lột xác và cũng yếu ớt không khác nào một em bé. Việc tránh gió cùng với nơi đông người sẽ giúp cho bạn hạn chế các tác nhân có thể gây ốm, cảm và một số bệnh khác.
-
Không nhịn đi vệ sinh. Bất kể là tiểu tiện hay đại tiện các bạn hay đi ngay khi có dấu hiệu. Sau khi sinh mổ cơ bụng của sản phụ rất yếu nên các bạn không nên nhịn lâu sẽ bị đau bụng và tăng nguy cơ bị sỏi thận, táo bón.
-
Ngủ đủ giấc. Sau sinh, các bạn sẽ bị suy nhược, đồng thời việc nuôi con bú có thể khiến giấc ngủ của bạn bị gián đoạn, vì vậy bất cứ khi nào buồn ngủ hãy nhờ người thân trông chừng em bé và chợp mắt một lát.
-
Không bó bụng ngay sau khi sinh. Nhiều chị em rất sợ việc cơ bụng không trở về trạng thái rắn chắc như bạn đầu nên sốt ruột và bó bụng sớm với hy vọng lấy lại vóc dáng trước kia. Tuy nhiên nếu các bạn bó bụng quá sớm sẽ phản tác dụng, vết mổ chưa lành có thể bị nứt, vỡ, bục chỉ. Hơn nữa khi bó bụng mồ hôi ra nhiều, chất bẩn ứ đọng có thể khiến vết mổ bị nhiễm trùng.
-
Kiêng quan hệ vợ chồng. Việc này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe và việc mang thai sau này của phụ nữ. Tùy cơ địa và sức khỏe của mỗi người mà thời gian kiêng cữ là khác nhau. Với phụ nữ sinh thường, thời gian kiêng quan hệ ít nhất là 8 tuần. Với phụ nữ sinh mổ hời gian này tối thiểu là 4 tháng, phải chờ đến khi vết mổ và dạ con lành lại mới có thể quan hệ.
Một số vấn đề sản phụ cần kiêng cữ sau khi sinh mổ
Trên đây là một số lưu ý và lời khuyên của tôi dành cho các chị em sinh mổ. Các bạn hãy nhớ sinh mổ không phải là vấn đề đơn giản, sau khi vượt cạn các bạn phải hết sức chú trọng việc chăm sóc sức khỏe để cơ thể nhanh chóng hồi phục, để làm được điều đó hãy ghi nhớ những lời khuyên trên đây và lời khuyên của bác sĩ trực tiếp điều trị cho bạn. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!