13 thay đổi thú vị của cơ thể khi mang thai
Hôm nay tôi có ghé đến thăm các đồng nghiệp cũ bệnh viện C và các bệnh nhân ở đây. Mặc dù trong nghề đã hơn 20 năm, chứng kiến nhiều ca mổ, nhiều ca vượt cạn nhưng những xúc cảm với tôi dành cho công việc của mình vẫn luôn đặc biệt.
Ngày hôm nay tôi chứng kiến một bà mẹ đơn thân ngoài 20 tuổi một mình sinh con. Cô gái đó đã khóc khi được ôm đứa con của mình và nói với tôi đây là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời cô ấy, cô ấy sẽ không bao giờ quên những khoảng khắc này và cả những khoảnh khắc từ khi phát hiện mang thai.
Thật vậy, làm mẹ là một điều hết sức thiêng liêng và hạnh phúc, các bạn sẽ cảm nhận được điều này từ nhưng thay đổi nhỏ nhất của cơ thể khi biết mình mang thai. Đó là một cách nói hoa mĩ, còn thực tế những thay đổi này sẽ gây ra nhiều vấn đề khiến nhiều chị em khó chịu.
Nhân đây bài viết này tôi sẽ chia sẻ với các bạn những vấn đề thường gặp khi mang thai để những ai mang thai lần đầu sẽ không bị bỡ ngỡ về những thay đổi của cơ thể trong thai kì.
1. Mệt mỏi
Trong 3 tháng đầu của thai kì, các chị em thường có biểu hiện ốm nghén do những thay đổi nội tiết và phải dành chất dinh dưỡng nuôi dưỡng thai nhi nên người mẹ dễ thấy mệt mỏi.
Khi ốm nghén bạn có thể bị sút cân, thiếu ngủ, chán ăn, dễ bị hoa mắt, chóng mặt, giảm huyết áp do thiếu máu vì máu được dùng để nuôi dưỡng thai nhi. Thời gian này tốt nhất bạn hãy nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và uống thuốc bổ theo chỉ định của bác sĩ.
2. Rối loạn tiêu hóa
Khi ốm nghén, bạn bỗng nhiên không ăn được các món ăn mình vẫn thích hoặc tự nhiên thích ăn những món mà trước nay chưa từng ăn. Rối loạn tiêu hóa còn biểu hiện bằng triệu chứng buồn nôn và nôn, táo bón, ợ hơi, xì hơi…
Lời khuyên tôi dành cho các bạn là hãy ăn thành các bữa nhỏ trong ngày để tránh bị buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu, táo bón.
3. Buồn nôn và nôn
Đây là biểu hiện các bạn thường gặp trong 3 tháng đầu thai kì, hầu hết phụ nữ mang thai đều gặp phải tình trạng này. Buồn nôn và nôn cũng là dấu hiệu mang thai sớm mà các bạn cần lưu ý. Nguyên nhân của việc buồn nôn trong thời gian ốm nghén là do những thay đổi bất ngờ về nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ và những rối loạn tiêu hóa gây ra.
Ốm nghén thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kì
Xem thêm: 14 dấu hiệu mang thai sớm và chính xác nhất.
4. Táo bón
Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ thay đổi dẫn đến những rối loạn về hoạt động trao đổi và hấp thụ chất dinh dưỡng. Ngoài ra việc ăn uống và luyện tập của các bạn trong thời gian này cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, ăn không đủ chất xơ, ít vận động hoặc do thai nhi chèn ép cũng là nguyên nhân khiến các bạn bị táo bón.
5. Ợ hơi
Hệ tiêu hóa của các bạn sẽ hoạt động chậm hơn bình thường khi mang thai, trong khi các vi khuẩn lên men hoạt động vẫn rất năng suất, các vi khuẩn trong được ruột sẽ có nhiều thời gian phân hủy thức ăn và tạo ra nhiều khí. Điều này sẽ khiến các bạn dễ bị ợ nóng hoặc xì hơi.
6. Đi tiểu nhiều lần
Thai nhi càng phát triển sẽ chèn ép lên các bộ phận trong cơ thể người mẹ, nhất là bàng quang. Chính điều này khiến các bạn nhanh buồn tiểu. Nếu buồn tiểu thì hãy đi luôn, tránh nhịn tiểu sẽ dễ bị sỏi thận hoặc viêm niệu đạo.
7. Huyết trắng ra nhiều
Nội tiết tố sẽ thay đổi nhiều dẫn đến việc huyết trắng cũng ra nhiều hơn bình thường. Hơn nữa huyết trắng ra nhiều sẽ giúp bít kín cổ tử cung, tránh không cho các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào bên trong tử cung.
Đây là biểu hiện sinh lý hoàn toàn bình thường, nhưng nếu huyết trắng ra nhiều kèm theo dấu hiệu như có mùi khó chịu, có màu và biểu hiện ngứa thì bạn nên đi khám bác sĩ, vì thời gian mang thai sức đề kháng của bạn có thể bị suy giảm, dễ bị vi khuẩn tấn công dẫn đến viêm âm đạo.
Xem thêm: Ra nhiều khí hư khi mang thai có nguy hiểm đến thai nhi.
8. Tăng cân
Mặc dù em bé sinh ra chỉ khoảng 3kg nhưng bạn lại tăng tới hơn 10kg trong thai kì. Điều này hết sức bình thường, vì việc tăng cân của các bạn do hấp thu nhiều chất dinh dưỡng không hề thừa thãi.
Phần cân nặng mà bạn tăng bao gồm khối lượng của em bé, nước ối… Và khối lượng của cơ thể bạn để chuẩn bị nhiều chất dinh dưỡng để nuôi con bằng sữa mẹ và tăng cường sức lực giúp các bạn vượt cạn thành công.
Trung bình phụ nữ sẽ tăng từ 10-15kg trong cả thai kì
9. Ngực thay đổi
Nội tiết sẽ khiến ngực của bạn thay đổi về kích thước, bạn sẽ thấy ngực của mình to hơn, cảm giác căng tức nhiều hơn, nhất là khi mới mang thai, các bạn sẽ thấy căng tức ngực như khi đến kì kinh nguyệt.
Thời gian này, cơ thể bạn cần chuẩn bị sữa cho việc nuôi bé sau này nên các mô mỡ, tuyến mồ hôi ở vú cũng bắt đầu phát triển phục vụ cho việc tiết sữa sau này.
10. Rạn da, ngứa
Gần như chị em nào cũng gặp phải tình trạng rạn da khi mang thai, nguyên nhân là do thai nhi phát triển, cùng với việc tăng cân nhanh nên da sẽ bị rạn. Các bạn sẽ bị rạn da nhiều nhất ở vùng bụng và đùi. Rạn da là nguyên nhân gây ngứa ở nhiều bà bầu.
Ngoài rạn da thì nhiều chị em còn bị ngứa vì những nguyên nhân như: tăng sinh mạch máu làm cho da nhạy cảm, tiết mồ hôi, viêm nang lông hoặc ứ mật trong gan có thể làm các bạn bị khô và ngứa da.
Hầu như tất cả phụ nữ đều bị rạn da khi mang thai
11. Chảy máu, sưng lợi
Thời kì mang thai, cơ thể bạn sẽ sản sinh nhiều máu hơn để nuôi dưỡng và mang oxi tới nuôi dưỡng thai nhi. Lưu lượng máu tăng sẽ khiến mạch máu phình ra, bạn dễ bị phù tay chân, sưng lợi và rất dễ chảy máu.
Lời khuyên của tôi dành cho các bạn là hãy giữ vệ sinh răng miệng, cơ thể sạch sẽ. Nếu bạn bị phù tay chân thì nên kiểm tra huyết áp, nếu huyết áp cao thì bạn có khả năng lớn bị tiền sản giật. Lúc này phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để xét nghiệm nước tiểu kiểm tra nồng độ đạm để phát hiện bệnh và can thiệp kịp thời, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
Xem thêm: Bạn có nằm trong 8/100 phụ nữ có nguy cơ tiền sản giật?
12. Đau đầu
Các bạn sẽ không tránh khỏi việc đau đầu trong thời gian mang thai, nguyên nhân là do sung huyết, những căng thẳng do thay đổi tâm sinh lí trong thời kì mang thai. Nếu bị đau đầu, hãy cố gắng nghỉ ngơi, xoa bóp nhẹ nhàng hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các bạn không được tự ý dùng thuốc vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi.
13. Đau lưng
Khi mang thai, nhất là vào những tháng cuối, các cơ, dây chằng và khớp xương vùng lưng và chậu của bạn sẽ được nới lỏng để phục vụ cho thai nhi được phát triển. Chính sự thay đổi này sẽ khiến bạn cảm thấy đau mỏi lưng.
Hãy cố gắng nằm nghỉ với tư thế thoải mái nhất, bạn có thể kê một chiếc gối nhỏ dưới lưng, nằm nghiêng một bên, massage để giảm bớt tình trạng khó chịu này.
Trên đây là một số những biểu hiện khác thường của cơ thể khi mang thai, là một người mẹ các bạn sẽ có được những cảm nhận rõ nhất về cơ thể mình trong suốt giai đoạn này. Quả thực làm mẹ là một điều thiêng liêng và hạnh phúc, chắc hẳn các bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị khi mang thai, chúc các bạn luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!
Xem thêm: Những phương pháp xác định mang thai sớm và chính xác nhất trong y học hiện nay.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!