Bị rubella khi mang thai có nguy cơ cao dị tật thai nhi
Phụ nữ mang thai có sức đề kháng yếu và nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường. Có một số bệnh không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và có thể tự khỏi. Nhưng một số bệnh như rubella lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi mà các bạn không được xem nhẹ.
Bệnh rubella là gì
Rubella hay còn gọi là sởi Đức, là bệnh do virus rubella gây nên, có khả năng gây nhiễm và có thể xuất hiện thành dịch ở bất kì quốc gia nào trên thế giới. Bệnh này thường xảy ra nhiều vào thời điểm giao mùa đông xuân.
Bệnh sẽ gây nên những nốt phát ban màu đỏ trên da. Mọi người đều có nguy cơ mắc rubella nhưng đặc biệt dễ xảy ra ở các đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai.
Đặc biệt nếu các bị bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kì thì nguy cơ thai nhi bị khuyết tật bẩm sinh là rất cao. Chúng tôi nhận thấy có đến 90% các trường hợp mẹ bầu bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu sẽ truyền virus cho thai nhi.
Bệnh rubella có nguy hiểm không?
Như tôi đã nói ở trên, rubella bình thường là một bệnh lành tính, nhưng nó đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Theo kinh nghiệm của bản thân và những tài liệu tôi nghiên cứu thì tỉ lệ thai nhi bị rubella bẩm sinh và dị tật sẽ rất cao trong thời gian đầu của thai và giảm dần trong những tháng cuối, cụ thể:
Nếu các bạn bị nhiễm virus rubella trong 3 tháng đầu của thai kì, thì 70-100% là bé sinh ra sẽ bị rubella bẩm sinh. Và 25% sẽ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan như não, mắt, tim…
Nếu bạn bị rubella trong 3 tháng giữa, thì tỉ lệ trẻ bị rubella bẩm sinh là 17%. Tỉ lệ này sẽ giảm dần ở những tuần 17-20 còn 5%.
Trong 3 tháng cuối của thai kì thì những tỉ lệ này giảm xuống gần như bằng 0%.
Rubella bẩm sinh gây dị tật thai nhi
Biến chứng rubella đối với trẻ sơ sinh là những dị tật bẩm sinh như dị tật tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, câm điếc, chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, thiếu cân và nhiều dị tật bẩm sinh khác.
Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp thai phụ bị rubella trong giai đoạn đầu dẫn đến thai chết lưu hoặc sảy thai. Vì thế các bạn phải hết sức lưu ý phòng tránh bệnh và tránh để bệnh lây nhiễm.
Cách thức lây nhiễm rubella
Rubella là bệnh lây truyền, chúng ta thường bị lây nhiễm bởi nước bọt của người bệnh lây lan ra không khí do ho, hắt hơi, dùng chung khăn mặt, khẩu trang, tiếp xúc gần gũi… Vì vậy các bạn phải chú ý cách ly với mọi người xung quanh để không lây bệnh.
Người bị nhiễm virus rubella có thể gây cho người khác trong khoảng thời gian trước và sau khi phát ban 7 ngày. Tôi nhân thấy khoảng thời gian có nguy cơ lây nhiễm cao nhất là khi người bệnh phát ban. Hầu hết phụ nữ mang thai bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu đều truyền virus cho thai nhi.
Vì vậy các bạn phải hết sức lưu ý việc giữ vệ sinh cá nhân, môi trường sống, nâng cao chất lượng vệ sinh và đặc biệt là cách ly người bệnh với những người xung quanh để không lây nhiễm.
Dấu hiệu bệnh rubella
Phát ban do rubella gây ra rất giống với những loại phát ban khác, sau khi virus tấn công từ 2-3 tuần thì các bạn mới nhận thấy triệu chứng. Vì vậy cách chẩn đoán bệnh đầu tiên là xét nghiệm.
Để chẩn đoán virus rubella bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để phát hiện kháng thể rubella trong máu. Nếu kháng thể này có trong máu có thể kết luận là các bạn đang bị nhiễm rubella hoặc đã từng nhiễm hoặc đã tiêm vacin.
Ngoài ra tôi sẽ đưa ra một số triệu chứng đặc trưng của rubella để các bạn phát hiện được bệnh. Thông thường những triệu chứng này chỉ bộc lộ ra khi virus đã xâm nhập vào cơ thể bạn từ 2-3 tuần. Những dấu hiệu đó là:
Sốt
Các bạn sẽ bị sốt cao 38 độ trong khoảng 1-4 ngày, kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu. Sau vài ngày triệu chứng sốt sẽ giảm dần.
Nổi hạch
Trước khi bắt đầu phát ban, cơ thể bạn sẽ nổi hạch vài ngày trước đó. Hạch sẽ nổi lên ở các vùng xương chẩm, khuỷa tay, cổ, bẹn… Khi ấn hoặc sờ vào các bạn sẽ thấy đau. Những hạch này sau khi nổi vài ngày cũng sẽ hết.
Phát ban
Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của rubella, tôi nhận thấy những bệnh nhân của tôi chỉ khi bị phát ban mới bắt đầu đi khám mà không để ý tới những triệu chứng trước đó là sốt và nổi hạch.
Nốt phát ban có hình tròn hoặc bầu dục, có đường kính khoảng 1-2mm. Các nốt ban này ban đầu mọc ở đầu, mặt rồi lan ra toàn thân. Các nốt ban có thể mọc thành từng đám hoặc đứng riêng lẻ.
Các nốt ban này mọc nhanh chóng, chỉ trong vòng 24h là đã có thể lan khắp người rồi. Nhưng chỉ 2-3 ngày sau là ban bay hết.
Cơ thể bị nổi ban khi nhiễm rubella
Tôi lưu ý các bạn cần phân biệt nốt ban của rubella và ban của sởi. Phát ban của sởi có khác biệt là mọc theo thứ tự từ đầu xuống mặt, xuống thân, sau khi ban bay đi sẽ để lại các nốt vảy như phấn rôm và các vằn màu sẫm trên da.
Đau khớp
Khi mang thai cơ thể sẽ rất dễ bị đau mỏi xương khớp do kết cấu xương lỏng lẻo, sức nặng của thai nhi và những thay đổi trong cơ thể khiến các bạn dễ bị đau khớp. Tuy nhiên nếu các bạn phát hiện thấy mình có những biểu hiện sốt, nổi hạch, phát ban, thì đây là một dấu hiệu của rubella.
Khi nhận thấy những dấu hiệu trên, các bạn phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám chữa, và tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị bệnh. Không được tự ý dùng thuốc để điều trị, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.
Nếu các bị nhiễm rubella trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kì thì khả năng cao bác sĩ sẽ chỉ định bạn phải loại bỏ thai nhi khi phát hiện những bất thường của thai.
Điều trị rubella
Rubella không phải là bệnh mới xuất hiện nhưng đến nay vẫn chưa có loại thuốc điều trị để rút ngắn tiến triển của bệnh. Nếu phát hiện bị rubella, với người bình thường bác sĩ sẽ cho thuốc điều trị triệu chứng.
Nhưng với phụ nữ mang thai, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để biết mức độ khỏe mạnh của thai nhi. Nếu phát hiện những dị tật bẩm sinh thì bác sĩ sẽ yêu cầu các bạn loại bỏ thai.
Nếu bạn vẫn muốn tiếp tục giữ thai thì bác sĩ sẽ tiêm kháng thể hyperimmune globulin để chống virus rubella. Tuy nhiên phương pháp này không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ dị tật bẩm sinh và rubella bẩm sinh ở trẻ, nhất là khi điều trị muộn.
Cách phòng tránh rubella
Nếu bị nhiễm rubella trong thai kì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé, vì vậy cách tốt nhất là các bạn hãy phòng tránh bệnh.
Để phòng tránh rubella, cách tốt nhất là tiêm vacin. Vacin rubella sẽ được tiêm ở dạng phối hợp 3 loại vacin sởi-quai bị-rubella (MMR). Vacin sẽ được tiêm tốt nhất là thời điểm trẻ được 12-15 tháng tuổi, và tiêm nhắc lại lúc 4-6 tuổi.
Tiêm vacin rất quan trọng đặc biệt là với bé gái để phòng bệnh xảy ra khi mang thai. Những người từng bị rubella ngày nhỏ sẽ có khả năng miễn dịch, lớn lên không bị lại nữa. Tôi cũng lưu ý các bạn không tiêm vacin nếu bạn nằm trong một số những trường hợp sau:
-
Bạn dự định có thai trong vòng 4 tuần tới.
-
Nếu bạn dị ứng với gelatin hoặc kháng sinh neomycin.
-
Nếu bạn bị ung thư, bệnh về máu hoặc mắc bệnh có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch thì bạn nên hỏi lời khuyên của bác sĩ để tiêm vacin.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!