Bệnh sốt xuất huyết: Nguyên nhân và triệu chứng bạn không được chủ quan
Bệnh sốt xuất huyết là gì
Bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện từ rất lâu và năm nào cũng bùng phát thành dịch, đặc biệt vào mùa mưa. Hầu như chúng ta đều biết về căn bệnh này nhưng có nhiều người vẫn chưa đủ hiểu sâu về nó. Sau khi trao đổi với các đồng nghiệp trong ngành y, tôi viết bài chia sẻ này với mong muốn mang lại những kiến thức hữu ích giúp các bạn phòng chữa bệnh hiệu quả.
Sốt Dengue, hay sốt xuất huyết dengue, là tên gọi khác của loại bệnh này (Dengue Hemorrhagic Fever – DHF). Còn ở Việt Nam chúng ta thường gọi chung là sốt xuất huyết.
Tưởng chừng như đây là một bệnh đơn giản nhưng bệnh lại có những biến chứng nguy hiểm, biểu hiện nặng nhất là hội chứng sốc Dengue gây ra bởi virus Dengue, bệnh có nguy cơ tử vong khá cao.
Có 4 chủng huyết thanh của loại bệnh này đó là DEN 1, DEN 2, DEN 3, DEN 4. Nếu các bạn từng bị sốt xuất huyết do một chủng gây nên thì sẽ có khả năng miễn dịch với chủng đó. Tuy nhiên với những chủng còn lại bạn vẫn có thể bị mắc như thường.
Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra ở bất kì ai, vì vậy các bạn không được xem nhẹ. Hãy cùng tôi tìm hiểu về nguyên nhân, diễn biến và những biến chứng của bệnh ở phần tiếp theo để hiểu về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.
Nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết
Trước nay chúng ta vẫn nghĩ muỗi là nguồn gốc của bệnh sốt xuất huyết nhưng thực ra muỗi chỉ đóng vai trò trung gian trong quá trình truyền bệnh.
Người mới là ổ chứa virus chính, ngoài ra người ta còn tìm thấy loài khỉ sống ở các khu rừng nhiệt đới ở Malaysia cũng mang virus này. Quá trình lan truyền bệnh quá nhanh và rộng khiến chúng ta không biết đâu là nơi khởi nguồn của bệnh.
Người bị nhiễm virus dengue do muỗi đốt (chỉ có muỗi cái mới hút máu), khi muỗi đốt người bị nhiễm virus, virus sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi từ 8-11 ngày. Trong thời gian đó nếu muỗi đốt người khác thì người đó sẽ bị nhiễm virus. Virus sẽ tuần hoàn trong máu từ 2-7 ngày, nếu muỗi đốt người bệnh thì muỗi sẽ bị nhiễm virus. Cứ như vậy nên sốt xuất huyết dễ bùng phát thành dịch.
Muỗi là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết
Những quốc gia nhiệt đới như Việt Nam chúng ta luôn nằm trong vùng dịch mỗi khi mùa mưa đến. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp (cả người lớn) tử vong do sốt xuất huyết. Vì vậy các bạn không được xem nhẹ căn bệnh này và phải ra sức ngăn chặn không cho dịch bùng phát.
Diễn biến bệnh sốt xuất huyết
Giai đoạn ủ bệnh
Thông thường các bạn sẽ không phát hiện ra bệnh trong thời gian đầu vì không có triệu chứng nào đặc biệt. Đây là thời gian ủ bệnh nhưng bệnh vẫn có thể lây nhiễm. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 3-6 ngày, nhưng cũng có một số ít trường hợp kéo dài đến 15 ngày.
Giai đoạn sốt
Đây là lúc các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện mà điển hình nhất là sốt. Khi mắc sốt xuất huyết, các bạn sẽ đột ngột sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, đau họng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy…
Ở trẻ nhỏ, biểu hiện đau bụng và tiêu chảy xuất hiện nhiều hơn. Triệu chứng sốt cao sẽ giảm dần từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8. Sau khi hạ sốt thì trên da sẽ xuất hiện các ban đỏ, sần, nhiều hình dạng khác nhau, đôi khi thấy ngứa.
Những vết ban này đầu tiên xuất hiện ở thân rồi sau đó lan rộng đến chân tay và mặt rồi đến lòng bàn tay, bàn chân. Thậm chí có nhiều trường hợp xảy ra hiện tượng xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Giai đoạn sốt xuất huyết
Nếu ở giai đoạn trước các bạn chỉ nhận thấy biểu hiện đặc trưng là sốt, rất khó phân biệt được sốt xuất huyết với các bệnh khác, thì ở giai đoạn này (thường vào giai đoạn hạ sốt) các biểu hiện xuất huyết đã xuất hiện.
Trong giai đoạn này, khi xét nghiệm sẽ phát hiện thấy tiểu cầu bị giảm còn dưới 100.000/mm3, khiến máu bị cô đặc.
Đồng thời xuất huyết cũng bắt đầu xảy ra. Các bạn sẽ nhận thấy xuất huyết dưới da tự phát hoặc sau khi tiêm. Các bạn có thể bị chảy máu chân răng, chảy máu cam và thậm chí là xuất huyết tiêu hóa.
Ở tình trạng bệnh nặng sẽ xảy ra hiện tượng gan lớn, đau, giảm protein trong máu và nguy hiểm nhất là tràn dịch màng phổi… có thể dẫn đến tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
Căn cứ vào độ đông đặc của máu và giảm tiểu cầu, cùng với những triệu chứng khác, WHO chia ra các mức độ của bệnh. Tôi xin chia sẻ với các bạn như sau:
-
Cấp độ I. Bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, máu bị cô đặc nhưng không bị chảy máu tự phát.
-
Cấp độ II. Tiểu cầu bị giảm, máu cô đặc và xảy ra hiện tượng xuất huyết tự phát.
-
Cấp độ III. Tiểu cầu giảm, máu cô đặc, huyết động không ổn định, huyết áp tâm trương dưới 20mm Hg, tay chân lạnh, tinh thần, ý thức không còn linh hoạt.
-
Cấp độ IV. Ở cấp độ này người bệnh có những biểu hiện nghiêm trọng. Ngoài việc bị giảm tiểu cầu, máu cô đặc thì các biểu hiện sốc bộc lộ rõ. Người bệnh không có mạch ngoại biên, huyết áp còn 0mm Hg.
Tuy nhiên nếu được điều trị thoát sốc thì bệnh nhân sẽ lành bệnh một cách nhanh chóng và ít khi để lại di chứng.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết
Biến chứng bệnh sốt xuất huyết
Mọi người tưởng rằng sốt xuất huyết là một bệnh đơn giản như cảm thông thường rồi mau chóng khỏi. Nhưng không, thực tế cho thấy đây là căn bệnh nguy hiểm gây tử vong cao kể cả ở người trường thành. Tôi xin đưa ra một số những biến chứng thường gặp do bệnh sốt xuất huyết để các bạn đề phòng.
Thoát huyết tương
Biến chứng thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong là thoát huyết tương. Hiện tượng này là khi huyết tương bị thoát qua thành mạch, kéo theo nước dẫn đến mất nước gây trụy mạch. Trường hợp người bệnh mất một lượng nước lớn sẽ gây cổ chướng, to bụng.
Xuất huyết
Loại biến chứng nguy hiểm thứ hai là hiện tượng xuất huyết. Nguyên nhân xuất huyết xảy ra do sự rối loạn đông máu dẫn đến hiện tượng chảy máu cam, rong kinh, vết ban trên da, không cầm máu hoặc bị bầm tím ở các vết tiêm, và nguy hiểm hơn là xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não.
Xuất huyết tiêu hóa tức xuất huyết trong ruột. Ban đầu các bạn sẽ không thấy dấu hiệu gì của xuất huyết tiêu hóa, chỉ nhận thấy những dấu hiệu thông thường của sốt xuất huyết như sốt, ho, sổ mũi, đau người. Nhưng sau đó nếu bạn thấy đi ngoài ra lẫn máu, đồng thời các dấu hiệu xuất huyết khác như chảy máu cam, vết ban trên da… thì khi đó bạn đã bị xuất huyết đườn tiêu hóa.
Xuất huyết não. Xuất huyết não cũng không có những triệu chứng rõ ràng, ban đầu các bạn bị sốt, đau đầu, nhức mỏi tay chân sau đó dần tê liệt không cử động được, sau đó sẽ rơi vào trạng thái hôn mê.
Xuất huyết não khiến máu chảy trong não của người bệnh, thường gặp thấy ở người lơn. Đây cũng là một biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong ở người bị sốt xuất huyết.
Biến chứng khác
Ngoài ra một số biến chứng chúng tôi thường gặp ở bệnh nhân sốt xuất huyết là suy gan, suy thận, suy hô hấp. Nếu các bạn từng có tiền sử bị mắc các bệnh như suy gan thận thì nguy cơ tử vong sẽ cao hơn.
Có những trường hợp chúng tôi đã gặp là bệnh nhân bị suy giảm thị lực do sốt xuất huyết. Nguyên nhân là do các mạch máu của võng mạc bị tổn thương, máu thấm lên thành lớp mỏng che trước võng mạc. Từ đó dẫn đến suy giảm thị lực.
Đối với phụ nữ mang thai, nếu bị sốt xuất huyết trong thai kì có thể bị ra máu kéo dài, tiền sản giật gây ảnh hưởng tới thai nhi và cũng làm tổn thương đến chức năng gan, thận của người mẹ. Đối với thai nhi có thể sẽ suy thai, sinh non hoặc thậm chí là thai chết lưu hoặc sảy thai.
Từ những điều tôi chia sẻ trên đây, chắc hẳn các bạn đã hiểu về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Vì thế hãy cùng gia đình và cộng đồng chung tay chống lại dịch bệnh sốt xuất huyết bằng cách tiêu diệt muỗi, không tạo môi trường cho muỗi sinh sống, trú ngụ và sinh sản.
Đồng thời các bạn hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình. Áp dụng mọi phương pháp chống muỗi đốt, và ngay lập tức đến bệnh viện khi có những biểu hiện bất thường để được khám và điều trị kịp thời.
Chúc các bạn luôn mạnh khỏe!
Xem thêm: Cách phòng tránh và điều trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!