Gây tê tủy sống khi sinh mổ, có nên hay không?
Chào bác sĩ, cháu đang mang thai tháng thứ 7 của thai kì, cân nặng của em bé lúc này là 3kg. Rất có thể trong tháng cuối thai kì cân nặng của em bé sẽ tăng, cháu sợ là mình không sinh thường được mà phải sinh mổ. Cháu nghe nói sinh mổ đỡ đau hơn sinh thường, và cháu cũng nghe nói đến phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ nhưng chưa hiểu rõ về phương pháp này.
Vì vậy cháu viết mail này đến bác sĩ Thúy Hằng mong được bác sĩ giải đáp về phương pháp gây tê tủy sống và cho cháu lời khuyên có nên áp dụng phương pháp này khi sinh mổ hay không?
Cháu cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Phạm Thùy Trang, 25 tuổi, Hà Nội
Cảm ơn Thùy Trang đã gửi câu hỏi đến cho tôi. Trước kia gây tê tủy sống là phương pháp được sử dụng nhiều trong phẫu thuật, đặc biệt là trong mổ lấy thai. Tuy nhiên mới đây bộ y tế đã ra quy định cấm không áp dụng gây tê tủy sống với nhiều trường hợp sản phụ vì khả năng biến chứng cao. Bài viết này tôi sẽ chia sẻ cho Thùy Trang và các độc giả của blog về kĩ thuật gây tê tủy sống và những biến chứng của kĩ thuật này.
Gây tê tủy sống là gì
Gây tê tủy sống là một phương pháp gây tế, nó có tác dụng gây tê theo vùng bằng cách tiêm thuốc vào dịch não tủy ở lưng để gây tê cục bộ. Các rễ thần kinh trong dịch não tủy không có vỏ thần kinh ngoài bao bọc nên tiếp xúc với thuốc tê được tiêm vào dịch não tủy sẽ phát huy tác dụng giảm đau.
Thuốc tê sẽ ức chế có phục hồi dẫn truyền của các rễ thần kinh, từ đó giúp người bệnh không cảm nhận được cảm giác đau. Gây tê tủy sống thường được áp dụng trong trường hợp mổ lấy thai, phẫu thuật phụ khoa, chi dưới, phẫu thuật tiết niệu, phẫu thuật tầng sinh môn…
Tuy nhiên phương pháp này không hề an toàn và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nên ít được áp dụng. Tôi sẽ giải thích cho Thùy Trang và các bạn độc giả hiểu về những nguy cơ và biến chứng khi gây tê tủy sống.
Biến chứng của gây tê tủy sống
Gây tê tủy sống có tác động trực tiếp đến tủy sống nên có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu tiêm không đúng cách hoặc can thiệp không kịp thời. Từ kinh nghiệm của bản thân và những tài liệu tôi tham khảo, tôi xin đưa ra những biến chứng thường gặp phải khi gây tê tủy sống.
Tác dụng phụ
Sau khi tiêm vào tủy sống, thuốc tê sẽ ngấm vào cơ thể bạn và gây phong bế hệ giao cảm mạnh, tức là gây mất cảm giác mạnh khiến bạn bị hạ huyết áp. Sau khoảng nửa tiếng, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ buồn nôn, nôn, chóng mặt, khó thở, đau đầu và đau vùng lưng quanh vị trí tiêm.
Phản ứng mạnh với thuốc
Đã có trường hợp sản phụ bị phản ứng mạnh với thuốc gây nên những tác dụng phụ nghiêm trọng như suy tuần hoàn, làm rối loạn nhịp tim, co giật và có thể dẫn đến hôn mê. Nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong cả mẹ và thai nhi.
Không phong bế hoàn toàn
Mục đích của việc tiêm thuốc tê là khiến người bệnh không còn cảm nhận được cảm giác đau, tuy nhiên vì một lí do nào đó như lượng thuốc tê không đủ, hoặc mũi tiêm bị lệch khiến phong bế không hoàn toàn, một phần cơ thể vẫn phải chịu đau trong suốt quá trình phẫu thuật.
Đau đầu
Nếu áp dụng gây tê tủy sống hoặc gây tê màng cứng bạn dễ bị đau đầu do hiện tượng giãn mạch máu thứ phát và giảm áp lực nội sọ. Không chỉ đau đầu, mà rất có thể bạn còn bị đau đốt sống cổ, đau lưng, đau cơ.
Liệt thần kinh sọ
Khi thực hiện tiêm vào tủy sống, thần kinh sọ sẽ chịu ảnh hưởng khá nặng nề vì bị kéo căng do mất dịch não tủy. Liệt thần kinh sọ sẽ có biểu hiện thị lực và thính lực bị ảnh hưởng. Rõ nhất là các sản phụ bị song thị tức là nhìn một thành hai trong khoảng vài này đến hơn một tuần, có trường hợp nặng sẽ bị kéo dài đến cả tháng.
Tổn thương thần kinh
Đây là một biến chứng khá nguy hiểm khiến nhiều người không dám lựa chọn phương pháp này, vì những tổn thương thần kinh chóp tủy, rễ, và tủy sống do gây tê tủy sống gây nên là tổn thương trực tiếp do mũi tiêm và thuốc tê. Vậy nên những tổn thương này là vĩnh viễn, sản phụ sau khi gây tê bằng tủy sống sẽ khó lấy lại được sức khỏe bình thường.
Những ai không được gây tê tủy sống
Mặc dù là phương pháp giảm đau hữu hiệu trong phẫu thuật, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp người bệnh không được áp dụng phương pháp này, đó là:
-
Người bệnh bị rối loạn đông máu hoặc đang điều trị đông máu.
-
Bị nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm trùng tại chỗ chọc mũi tiêm.
-
Người bệnh có bất thường về giải phẫu mà không được chọc vào tủy sống.
-
Người bị bệnh tim.
-
Người bị tăng áp lực nội sọ.
-
Người bị dị ứng với thuốc tê.
-
Một số trường hợp khác không nên áp dụng như người bị bệnh đau, viêm khớp cột sống, các khớp, bị ung thư đã di căn vào xương, xơ vữa mạch máu, huyết áp cao hoặc thấp quá, và trẻ em còn nhỏ không thể chọc vào tủy sống…
Nếu bạn Thùy Trang thuộc một trong số những trường hợp trên đây thì bạn không nên áp dụng phương pháp gây tê tủy sống.
Phân biệt gây tê tủy sống và gây tê màng cứng
Ngoài gây tê tủy sống thì gây tê màng cứng cũng là một biện pháp giảm đau được nhiều chị em nhắc đến. Có lẽ Thùy Trang và nhiều độc giả của blog chưa biết và phân biệt rõ về hai kĩ thuật này. Vì vậy tôi sẽ giải đáp cho các bạn trong bài viết này.
Nói một cách dễ hiểu, gây tê tủy sống là tiêm thuốc tê vào dịch não tủy, có tác dụng rất nhanh chỉ trong 5 phút. Với gây tê màng cứng, thuốc tê sẽ được tiêm vào khoang màng cứng, phát huy tác dụng lâu hơn, trong khoảng 20 phút nhưng an toàn và ít biến chứng hơn.
Khi bạn bắt đầu có cơn co tử cung và cổ tử cung đã mở rộng khoảng 2-3cm thì đây là thời điểm có thể gây tê ngoài màng cứng. Tùy theo khả năng chịu đau của sản phụ và hoàn cảnh khi đó mà bác sĩ có quyết định gây tê hay không.
Thông thường gây tê màng cứng thường được áp dụng trong sinh đẻ tự nhiên. Áp dụng cho sản phụ không có khả năng chịu đau hoặc khó sinh, thai đôi, thai ngược…
Còn gây tê tủy sống thường được áp dụng trong sinh mổ lấy thai, áp dụng cho những trường hợp mổ thai cấp cứu theo chỉ định của bác sĩ hoặc theo mong muốn của gia đình.
Gây tê tủy sống sẽ khiến bạn bất động và mất cảm giác hoàn toàn vùng thân dưới mặc dù em bé đã được lấy ra. Bạn sẽ phải chờ đến khi thuốc tê hết tác dụng mới có thể vận động được. Trong khi đó với gây tê ngoài màng cứng bạn vẫn có thể cảm nhận được những cơn co tử cung và vẫn dặn đẻ bình thường.
So sánh về hai phương pháp này thì gây tê ngoài màng cứng được đánh giá là an toàn và hiệu quả hơn, mặc dù có một vài nhược điểm so với gây tê tủy sống như: tê toàn bộ tủy sống, gây tổn thương cơ, dây chằng nhiều hơn, dễ bị tác động đến tim mạch, hệ thần kinh, tuần hoàn hơn, kĩ thuật phức tạp, dùng nhiều thuốc và mất nhiều thời gian chờ thuốc phát huy tác dụng.
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định hợp lí cho sản phụ áp dụng phương pháp nào. Nếu bạn Thùy Trang không thể chịu đau trong cơn chuyển dạ thì có thể áp dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên phải trong hoàn cảnh và tình huống cụ thể thì tôi mới đưa ra lời khuyên chính xác cho bạn.
Còn lúc này, bạn hãy giữ tinh thần thoải mái, chuẩn bị sẵn tâm lí cho lần vượt cạn. Bạn có thể tham gia các lớp học tiền sản để có thể kiến thức cho việc chuyển dạ được dễ dàng hơn. Chúc bạn mạnh khỏe và mẹ tròn con vuông!
Xem thêm: Phương pháp đẻ không đau – Gây tê ngoài màng cứng và những ưu nhược điểm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!