Nguyên nhân ít sữa ở phụ nữ đang cho con bú
Không cho bé bú thường xuyên
Đây là nguyên nhân chính khiến sữa mẹ không xuống nhưng nhiều bạn lại không để ý đến điều này. Tôi đã gặp nhiều trường hợp các mẹ không cho con bú đêm hoặc bỏ bữa vì nghĩ sữa có thể để dành cho lần bú sau.
Nhưng thực tế khi các bạn không cho con bú thường xuyên sẽ làm cơ thể giảm lượng sữa. Giống như việc cung và cầu, nếu nhu cầu sữa của bé càng cao thì tự khắc cơ thể mẹ sẽ tiết ra lượng sữa đáp ứng. Ngược lại nếu bạn không cho bé bú thường xuyên thì lượng sữa được tiết ra cũng dần giảm xuống và có nhiều trường hợp còn bị mất sữa.
Tôi cũng lưu ý các bạn, cho bé bú thường xuyên không phải là lúc nào cũng cho bé bú hay bú theo thời gian biểu mà bạn đã lên sẵn. Hãy cho bé bú khi bé đói vì khi đó bé sẽ bú no và ngủ ngoan đồng thời sẽ rút cạn bầu sữa, vừa bú được phần sữa béo nhất lại kích thích sữa xuống chỉ sau khoảng nửa tiếng.
Cho bé bú không đủ cữ
Như tôi nói ở trên, các bạn nên cho bé bú khi bé đói vì khi đó bé sẽ bú được nhiều và hưởng tròn phần sữa béo cuối cùng của mỗi lần bú. Mỗi lần các bạn nên cho bé bú ít nhất là 5-10 phút.
Sau khi bú no bé sẽ ngủ ngoan, nếu bé ngủ khi đang bú dở thì bạn có thể đánh thức bé dậy để bú hết rồi ngủ. Hoặc bạn không cần phải dứt miệng bé ra khỏi vú mà để bé ngậm và có phản xạ tự bú ngay cả khi ngủ.
Cho bé uống sữa ngoài sớm
Có nhiều mẹ phải đi làm xa nên không thể cho bé bú vào ban ngày nên thường cho bé uống sữa ngoài sớm hoặc cho bé ăn dặm sớm. Điều này là không tốt chút nào, nhất là với trẻ dưới 6 tháng vì thức ăn và sữa bên ngoài không đủ chất dinh dưỡng hoặc thậm chí có thể gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ.
Ngoài ra cho trẻ uống sữa ngoài sớm sẽ làm trẻ chán sữa mẹ và không bú mẹ nữa. Nếu không cho con bú hoặc không vắt sữa để trữ thì dần dần lượng sữa sẽ giảm và mất hẳn.
Tốt nhất các bạn nên tranh thủ thời gian để về nhà cho con bú vào buổi trưa, hoặc vắt sữa để trữ cho trẻ bú bình. Đừng lo lắng vì việc vắt sữa để ra môi trường bên ngoài.
Nếu sữa để ở nhiệt độ 26 độ có thể để được 4-6 giờ. Sữa sẽ để được 6-8 giờ nếu để ở nhiệt độ 22 độ. Nếu bạn để sữa trong tủ lạnh có thể bảo quan được 24 giờ. Để ngăn đá bảo quản được 2 tuần. Và nếu trữ ở tủ đông chuyên dụng -18 độ có thể bảo quản lên đến 6 tháng.
Thời gian bảo quản sữa mẹ trong môi trường tự nhiên
Cho bé ngậm ti giả
Tương tự như việc cho con uống sữa ngoài sẽ làm cho trẻ chán sữa mẹ và bỏ bú mẹ thì việc ngậm ti giả cũng làm bé chán bú. Nguyên nhân do cấu tạo và chất liệu của ti giả khác hoàn toàn so với vú mẹ, vì thế nếu bé quen ngậm ti giả sẽ không thích bú trực tiếp từ mẹ nữa.
Để khắc phục các bạn nên hạn chế cho bé ngậm ti giả, hoặc trường hợp bé nhất quyết không chịu bú mẹ thì các bạn có thể vắt sữa và cho trẻ bú bình. Lưu ý hãy vệ sinh bình thật sạch sẽ trước và sau khi cho bé ăn.
Cho bé ngậm vú sai cách
Đây là sai lầm mà rất nhiều người mắc phải mà không nghĩ đến hậu quả của nó. Nhiều mẹ để trẻ tự ngậm đầu ti mà không để cho miệng trẻ ngậm cả lên quầng vú. Điều này sẽ khiến trẻ khó bú mẹ, vì cơ miệng không tác động lên quầng vú để tạo áp lực hút sữa và phản xạ tiết sữa.
Cho bé ngậm quầng vú đúng cách giúp sữa xuống nhiều hơn
Việc cho trẻ ngậm vú sai cách cũng khiến các bạn dễ bị nứt đầu vú hay nứt cổ gà gây đau đớn thậm chí là viêm nhiễm. Cách bú đúng là hãy cho trẻ ngậm cả quầng vú để tạo áp lực lên bầu vú kéo sữa về.
Xem thêm: Nứt cổ gà và cách điều trị hiệu quả.
Mẹ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa của mẹ, nguồn sữa có đủ nhiều và có dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ hay không phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ dinh dưỡng.
Các bạn hãy ăn uống đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng chất đạm, chất béo, đường bột các vitamin và khoáng chất và cả chất xơ thì mới đảm bảo nguồn sữa cho con. Không nên kiêng khem trong thời gian này vì đây là giai đoạn có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ sau này.
Xem thêm: Mẹ nên ăn gì để có nhiều sữa cho con.
Phản xạ tiết sữa của người mẹ yếu
Tùy cơ địa của từng người mà phản xạ tiết sữa có thể mạnh hay yếu. Có nhiều người mặc dù bầu ngực căng, sữa nhiều và thậm chí có thể cảm nhận được dòng chảy của sữa trong ngực nhưng sữa vẫn không chảy ra.
Tốt nhất các bạn hãy uống một ly nước ấm trước khi cho con bú, và hãy cố gắng giữ tinh thần thoải mái trong giai đoạn này. Vì yếu tố tâm lí có ảnh hưởng khá nhiều đến phản xạ tiết sữa.
Căng thẳng sau sinh
Không thiếu những trường hợp bị căng thẳng và trầm cảm sau sinh. Mặc dù không phải là bác sĩ tâm lí nhưng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp người bệnh bị trầm cảm sau sinh, ảnh hưởng đến tâm lí, sức khỏe và cả việc nuôi con.
Tâm lí có ảnh hưởng rất lớn đến đến việc tiết sữa, vì thế các bạn hãy cố gắng giữ một tinh thần thoải mái, chia sẻ, tâm sự với những người thân quen, nghĩ đến việc yêu thương con nhiều hơn để giảm bớt những căng thẳng, mệt mỏi sau sinh có thể làm mất sữa.
Xem thêm: Những vấn đề thường gặp khi cho con bú và cách khắc phục.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!